Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngành lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) đã có trọng tâm, trọng điểm, thu hút được nhiều đối tượng tham gia.
Diện tích rừng sản xuất tăng nhanh nhờ thực hiện chính sách giao đất, giao rừng; các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển vốn rừng. Trung bình mỗi năm, nông dân và các thành phần kinh tế trồng mới trên 15.000 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 62,8%, đứng thứ 4 toàn quốc. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ vi phạm, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại.
Tính riêng năm 2017, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 271 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 52 vụ so với năm 2016; số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy giảm 88,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện các đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, một số diện tích cây trồng kém hiệu quả đã được chuyển sang cây trồng đa tác dụng, quản lý rừng bền vững, chuyển hóa kinh doanh rừng gỗ lớn.
Đến nay, ngành lâm nghiệp đã xác định được một số loại cây trồng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao, bao gồm: vùng quế với diện tích trên 66.000 ha; vùng tre măng Bát độ 3.700 ha; vùng trồng sơn tra trên 5.000ha. Ngành cũng đẩy mạnh quản lý Nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp. Tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận đưa vào sản xuất tăng từ 25% năm 2014 lên 40% năm 2017. Nhờ chất lượng cây giống ngày một nâng cao, đã góp phần đưa năng suất rừng tăng từ 4 - 5m3/ha và đến nay trữ lượng rừng gỗ lớn đạt 120 - 150 m3/ha, gỗ nhỏ đạt 70 - 80m3/ha.
Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2017 đạt hơn 1.442 tỷ đồng, tăng 18,27 tỷ đồng, chiếm 21,9% trong cơ cấu nội ngành. Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại những tín hiệu tích cực, huy động nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng. Tính riêng 2 năm 2016 - 2017, các chủ rừng, hộ nhận khoán đã được nhận hơn 140 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng.
Giai đoạn 2018 - 2020, ngành lâm nghiệp tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm trồng mới trên 15.000ha rừng, trong đó, đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn; đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lâm nghiệp từ 7%/năm trở lên; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BV&PTR; tăng cường quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.
Ngành lâm nghiệp tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên thông qua việc tăng cường kiểm tra, truy quét, giải quyết dứt điểm các tụ điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép; tranh chấp, lấn chiếm đất rừng; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến.
Đặc biệt, để sử dụng và phát triển rừng bền vững, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó, tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng theo hướng thâm canh gỗ lớn; nâng cao giá trị, sản phẩm gỗ thông qua chế biến tinh, sâu; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng liên kết gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ, nhằm phát triển bền vững, hiệu quả; phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp theo hướng quy mô lớn, sản xuất tập trung, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ cho công tác quản lý, BV&PTR.
Văn Thông