Kinh tế lâm nghiệp không chỉ đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xóa đói giảm nghèo, làm giàu mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và trở thành một nghề của hàng chục vạn hộ nông dân.
Dẫu còn nhiều khó khăn song Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy nghề rừng. Những quả đồi trơ trọi thuở nào nay đã được phủ xanh bằng keo, mỡ, bồ đề, quế và măng tre Bát độ. Diện tích rừng cứ nối dài theo năm tháng, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng tự nhiên và sản xuất.
Nhất là sau khi thực hiện Quyết định số 886 ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, rừng và chất lượng rừng ở Yên Bái đã nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh (bao gồm cả diện tích rừng trồng chưa thành rừng) là 462.527,21 ha. Trong đó, diện tích rừng để tính độ che phủ 432.381,24 ha; diện tích rừng trồng chưa thành rừng 30.145,97 ha. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã trồng 30.297,3 ha rừng các loại, bình quân mỗi năm trồng trên 15.000 ha.
Trong đó, trồng rừng tập trung 26.537 ha; trồng cây phân tán 6.640.300 cây, tương đương 3.760,3 ha. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã trồng 10.402 ha rừng các loại, đạt 69,3% so với kế hoạch năm. Toàn bộ diện tích rừng trong độ tuổi chăm sóc được các chủ rừng quan tâm chăm sóc và bảo vệ tốt, bình quân mỗi năm, diện tích rừng được chăm sóc khoảng trên 30.000 ha.
Song song với trồng và phát triển vốn rừng, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm, lắp đặt 5 trạm khí tượng tự động; duy trì và củng cố 310 tổ xung kích chữa cháy rừng gồm 3.214 người ở các xã, phường và các chủ rừng; ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với 65.000 lượt người tham gia; xây dựng và duy trì các công trình phòng cháy, trang bị phương tiện, công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng một cách hiệu quả.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nên số vụ vi phạm quy định Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm cả về số vụ và khối lượng lâm sản tịch thu.
Năm 2017, số vụ vi phạm giảm 52 vụ, tương đương 19,2% (219/271 vụ); số vụ đã xử lý 151/252 vụ, giảm 101 vụ so với năm 2016; lâm sản tịch thu gồm: gỗ tròn 15,3 m3, giảm 85,6%; gỗ xẻ 60,4 m3, giảm 47% so với năm 2016.
Ông Kiều Tư Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Cái được lớn nhất trong phát triển lâm nghiệp thời gian qua là nhận thức, ý thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân địa phương đã nâng lên rõ rệt, phát huy được tinh thần, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó là kinh tế lâm nghiệp đã có bước phát triển tốt, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tạo thêm nhiều việc làm ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần vào công tác ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) của năm 2017 đạt trên 1.442 tỷ đồng, tăng 18,27% so với năm 2015 và tăng 9,85% so với năm 2016, chiếm 21,9% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngoài tiền khoán và bảo vệ rừng theo quy định, hàng năm, người dân Yên Bái còn có một nguồn thu không nhỏ từ phí dịch vụ môi trường rừng.
Tuy sự chi trả có sự chênh lệch giữa các lưu vực nhưng từ nguồn thu này, bình quân các hộ dân bảo vệ, trồng, chăm sóc, kinh doanh rừng nằm trong lưu vực được trả phí được hưởng trên dưới 100 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, mỗi năm, người dân, các tổ chức khai thác trên dưới 2 triệu mét khối gỗ các loại và hàng ngàn tấn nguyên liệu sợi dài mang lại một nguồn thu không hề nhỏ.
Cùng với việc khai thác là có trên 400 công ty, nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng sản xuất hàng chục ngàn mét khối ván ghép thanh, ván ép và hàng trăm ngàn mét khối ván bóc, hàng chục triệu đôi đũa... vừa nâng cao giá trị vừa giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trồng rừng, phát triển nghề rừng hôm nay không chỉ đơn thuần là xóa đói giảm nghèo mà đã thực sự trở thành nghề, nhiều hộ gia đình đã trở thành triệu phú, tỷ phú rừng.
Có lẽ, chưa khi nào, sản xuất nghề rừng và chế biến gỗ rừng trồng lại thịnh vượng như hôm nay, huyện, thị nào, vùng quê nào cũng có xưởng chế biến gỗ rừng trồng. Nhà xây, xe máy, ti vi, tủ lạnh, con em các dân tộc được học hành đầy đủ cũng từ rừng mà ra.
Phát huy kết quả đã đạt được, những năm tiếp theo, Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung cơ bản của chỉ thị, nghị quyết về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tới các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân trên địa bàn. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch để làm cơ sở cho bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với diện tích rừng đặc dụng cần được giao khoán bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng. Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ giao khoán bảo vệ và lợi dụng rừng một cách hợp lý theo quy chế quản lý rừng phòng hộ, tránh mọi hoạt động gây bất lợi, xâm hại vào vốn rừng.
Xây dựng các mô hình kinh doanh gỗ lớn bằng các loài cây có giá trị kinh tế ở các huyện, xã vùng cao, dần ổn định lâm phần theo quy hoạch và đưa nghề rừng trở thành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế lâm nghiệp. Trong chế biến, cần tuân thủ quy hoạch của ngành công nghiệp, đồng thời rà soát, sắp xếp, đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp gắn với vùng nguyên liệu.
Tập trung đi vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu, bảo đảm môi trường... Với hướng đi, cách làm đó, sản xuất lâm nghiệp sẽ thực sự trở thành một ngành kinh tế trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội Yên Bái.
Ngọc Trúc