Nói vậy không phải chỉ trong một vài năm trở lại đây Trấn Yên mới tập trung phát triển CN-TTCN và thu hút đầu tư mà đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thực hiện từ nhiều năm nay.
Kế thừa và phát huy, huyện đã quan tâm, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, bằng việc tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách theo quy định của Nhà nước; đồng thời, quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp về thủ tục, đất đai, nguồn lao động…
Song song với đó là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển và gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị giai đoạn 2016-2018 ước đạt 725,4 tỷ đồng. Mở mới tuyến đường IC12 đi xã Việt Hồng, đường ngã tư Bệnh viện đi cầu Nghĩa Phương thị trấn Cổ Phúc, kiên cố hóa 88,5 km đường giao thông nông thôn; mở mới 13,2 km đường vào khu vực sản xuất tre Bát độ... Môi trường đầu tư kinh doanh tốt, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh bình đẳng, thuận lợi và phát triển.
Hai năm trở lại đây, Trấn Yên luôn nằm trong tốp đầu về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện. Việc quản lý, thực hiện các quy hoạch đầu tư sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, quy hoạch phát triển du lịch... thực hiện tốt.
Tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng rất hiệu quả, nhanh, đúng quy trình các công trình trọng điểm của tỉnh, của huyện để thu hút các dự án đầu tư, như: khu du lịch sinh thái Đầm Hậu tại xã Minh Quân; nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tôn Hoa Sen; công trình xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty cổ phần EDGE GLASS tại Bảo Hưng; công trình xây dựng khu liên hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ, văn hóa thể thao gắn với chỉnh trang phát triển khu dân cư khu vực nút giao IC12 cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường Âu Cơ thành phố Yên Bái; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi xã Việt Hồng; đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Nhờ vậy, số cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tăng nhanh về số lượng và quy mô sản xuất.
Hiện toàn huyện có 344 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút và tạo việc làm cho trên 4.000 lao động có thu nhập ổn định. Các cơ sở này đã nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đổi mới dây chuyền công nghệ, tăng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng ưu tiên cho xuất khẩu…
Đặc biệt, 2 năm qua, đã có 6 dự án đầu tư trên địa bàn có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao và tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động ở một số lĩnh vực Trấn Yên có lợi thế, tiềm năng.
Các dự án đầu tư đã đi vào sản xuất tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao như: graphit, sản phẩm thép hộp, thép ống, may gia công xuất khẩu, quặng cầu viên…, góp phần làm gia tăng thêm giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 313 tỷ đồng, cả năm ước đạt 550 tỷ đồng.
Các sản phẩm chủ yếu ước cả năm sẽ đạt: chè khô chế biến 4.650 tấn; tinh dầu quế 40 tấn; gỗ xẻ thanh, gỗ bao bì đạt 6.200 m3; gỗ ván bóc 62.000 m3; gỗ ván dán okan 13.000 m3; ván ghép thanh 2.500 m3; quặng sắt chế biến 57.500 tấn; khai thác cát, sỏi 20.300 m3; gạch xây các loại 18,8 triệu viên; may gia công xuất khẩu 11 triệu sản phẩm; graphit các loại 7.000 tấn; thép hộp, thép ống 11.400 tấn.
Có thể nói, Trấn Yên đã làm khá hiệu quả việc phát triển CN-TTCN và thu hút đầu tư. Huyện lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm những dự án, công trình cấp thiết, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ để thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thanh Phúc