Hiệu quả liên kết nuôi ong ở Púng Luông

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/8/2018 | 8:19:30 AM

YBĐT - Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc nuôi ong lấy mật, 7 hộ dân ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải) đã liên kết thành lập Nhóm liên kết nuôi ong, bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Lý A Mùa - thành viên Nhóm liên kết nuôi ong.
Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Lý A Mùa - thành viên Nhóm liên kết nuôi ong.

Với lợi thế về đất rừng, nguồn cây cho phấn, cho mật dồi dào, nhiều hộ dân ở xã Púng Luông đã mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, việc nuôi ong ở các xã vùng cao như Púng Luông mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, lẻ, tự phát, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, năm 2014, Nhóm liên kết nuôi ong xã Púng Luông được thành lập.
 
Nói về nguyên do, anh Lý A Mùa ở bản Nả Háng Tâu - thành viên Nhóm liên kết nuôi ong cho biết: "Chúng tôi đều là những thanh niên đã từng đi làm thuê cho một cơ sở nuôi ong lấy mật ở Hà Nội. Sau hơn 1 năm làm thuê ở thủ đô, chúng tôi quyết định về quê hương chọn nghề nuôi ong làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, việc làm thuê khác hẳn với việc làm chủ". 

"Trước đây, chủ bảo chúng tôi làm gì thì chúng tôi làm nấy, còn bây giờ mọi việc mình phải tự theo dõi, tự nghiên cứu để tìm ra hướng giải quyết nên những ngày đầu tiên rất bỡ ngỡ dù đã hơn 1 năm gắn bó với nghề này. Vì thế chúng tôi quyết định liên kết với nhau thành nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển” - anh Mùa nói.

Quả thực, việc liên kết này có nhiều lợi ích. Trước hết, đây là nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và bàn bạc tìm ra giải pháp mỗi khi đàn ong gặp bệnh dịch. Nuôi ong không đòi hỏi trình độ cao siêu, cũng không phải quá khó nhưng lại cần sự khéo léo, ham học hỏi và cần mẫn của người làm nghề. 

Để đáp ứng được những thị trường "khó tính”, Nhóm luôn xác định phải nuôi ong theo cách tự nhiên, đảm bảo chất lượng mật sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
 
Những kinh nghiệm để nuôi dưỡng, duy trì đều đặn số lượng ong giống, tạo thế đàn ong mạnh hay xử lý ong bệnh bằng phương pháp sinh học đều được trao đổi, bàn bạc, thống nhất rồi cùng nhau thực hiện. Không chỉ vậy, việc liên kết còn giúp quá trình nuôi ong được đảm bảo và tiết kiệm được chi phí, công sức. 

Không chỉ cần am hiểu đặc tính của loài, người nuôi ong cũng cần phải có sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tránh rét hay tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.
 
Anh Giàng A Páo ở bản Háng Cơ Bua chia sẻ: "Ngày mới nuôi ong, tôi vay 5 triệu đồng mua 20 tổ ong, đã có lúc tưởng như mất trắng. Mùa hè thì không sao nhưng mùa đông đến là đàn ong cứ chết dần mặc dù tôi đã sử dụng biện pháp ủ ấm. Biết rằng phải di chuyển đàn ong đến vị trí ấm hơn để nuôi dưỡng tách đàn nhưng có 20 tổ thì chi phí cho vận chuyển và công chăm sóc thì không bõ. Kể từ khi tham gia vào Nhóm liên kết, đến mùa hoa nhãn hay mùa đông giá rét, chúng tôi cùng nhau tập hợp di chuyển đàn ong xuống thị xã Nghĩa Lộ rồi chia nhau trông coi, chăm sóc, nhân tách đàn, thuận tiện hơn trước nhiều”.

Với hơn 400 tổ ong, trung bình mỗi năm thu được hơn 2.000 lít mật, Nhóm đã kết nối với các tư thương trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt vẫn có thể đảm bảo đủ khi khách cần số lượng lớn. 

Mật ong được nuôi tại các cánh rừng, không chịu tác động từ hóa chất, ô nhiễm nên chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ  đó, nghề nuôi ong lấy mật ngày càng phát triển, giúp cho các thành viên thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng mỗi năm, mở ra hướng làm giàu cho những hộ nông dân ít vốn ở vùng cao.

H.A

Các tin khác
Chăn nuôi lợn hàng hóa ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ có trên 1.000 hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 

YBĐT - Với sự năng động, sáng tạo khi biết lựa chọn những sản phẩm phù hợp với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, những thanh niên năm xưa với ý chí, quyết tâm đã biến vùng đất khô cằn ngày nào thành làng trang trại cây ăn quả trù phú, giàu đẹp.

YBĐT - Nguồn lực trên 50 tỷ đồng đầu tư cho các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Lục Yên những năm qua là con số không hề nhỏ. Thế nhưng, từ lâu nay, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã vùng nông thôn trên địa bàn huyện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị chạy thử trên toàn tuyến.

Ban quản lý tàu điện Cát Linh - Hà Đông khuyến cáo người dân không xâm nhập vào công trường khi dự án chuẩn bị chạy thử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục