Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, địa phương, phù hợp với định hướng phát triển, Trấn Yên đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng phát triển các trung tâm kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 gồm: thị trấn Cổ Phúc thành trung tâm động lực phát triển của huyện; đầu tư phát triển các xã Báo Đáp, Hưng Khánh thành trung tâm phát triển của cụm các xã phía Bắc, phía Tây và Vân Hội là xã phát triển của cụm Chiến khu của huyện.
Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, các trung tâm kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Thị trấn Cổ Phúc đã có sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế sang hướng dịch vụ, công nghiệp (chiếm 91%).
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đô thị và quy hoạch được quan tâm và thực hiện tốt, ý thức của người dân về giữ gìn trật tự, cảnh quan, môi trường đô thị được nâng cao. Tổ chức lập dự án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, hướng tới xây dựng thị trấn Cổ Phúc trở thành đô thị trung tâm xanh - sạch - đẹp, phát huy vai trò là động lực phát triển, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Trong 2 năm 2016 – 2017, đã huy động trên 71,4 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị.
Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký hoạt động trên địa bàn tăng về số lượng, quy mô hoạt động, nhiều cửa hàng tự chọn bán buôn, bán lẻ, cơ sở thương mại, dịch vụ, siêu thị điện máy được đầu tư mở mới…
Năm 2016, nhà máy may xuất khẩu của Công ty TNHH Quốc tế VINA KNF đi vào hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương, góp phần gia tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn của huyện. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô tập trung.
Mạng lưới và chất lượng dịch vụ công về y tế, giáo dục được nâng cao, các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ dân sinh, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội khu vực đô thị được giữ vững, chất lượng cuộc sống của đa số nhân dân đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,83%, 14/14 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa.
Xã Báo Đáp cũng đạt được những kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các chỉ tiêu sản xuất và thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển thành các vùng sản xuất tập trung, bền vững, có giá trị kinh tế cao và khả năng cạnh tranh như: vùng dâu tằm trên 58,5 ha, cho sản lượng kén tằm trên 85 tấn; phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung trên 30 ha; đầu tư thâm canh ổn định diện tích chè chất lượng cao gần 79 ha; duy trì phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, chú trọng chăn nuôi hàng hóa tập trung.
Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn; trong đó, dự án Nhà máy chế biến quặng Graphit của Công ty Ngọc Viễn Đông đã đi vào hoạt động với công suất 40.000 tấn/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động, góp phần gia tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn của huyện.
Hưng Khánh từ một xã nghèo nhưng vài năm trở lại đây luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 27 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Sản xuất nông nghiệp chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ rất phát triển, thu hút một số dự án đầu tư vào địa bàn và đang dần phát huy lợi thế của địa phương. Trên địa bàn xã đã có 7 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, 15 xưởng chế biến gỗ, 3 cơ sở sản xuất gạch bê tông và có 150 hộ buôn bán, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vân Hội nay cũng mang dáng dấp của một thị tứ phát triển năng động. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 26,5 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Trong hai năm 2016-2017, huy động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên 10,2 tỷ đồng, hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản được kiên cố hóa. Quan trọng hơn xã đã khai thác sử dụng có hiệu quả diện tích đất sản xuất nông lâm nghiệp theo quy hoạch, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương.
Duy trì và phát triển 61 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 21 lồng cá, sản lượng đạt trên 340 tấn/năm; phát triển hàng chục cơ sở nuôi lợn thịt trên 50 con và nuôi trâu, bò trên 10 con; phát triển diện tích rừng trồng sản xuất trên 660 ha, hàng năm cho khai thác trên 80 ha.
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, tiếp tục cần được đầu tư xây dựng và đổi mới hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, những kết quả khả quan đã đạt được là nền tảng quan trọng để Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Ngọc Trúc