Tú Lệ khôi phục sản xuất

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/8/2018 | 1:55:57 PM

YBĐT - Đầu tháng 8, thung lũng Tú Lệ, huyện Văn Chấn vẫn mưa rả rích. Sốt ruột vì nhiều diện tích đất bị bồi lấp chưa khôi phục được, nhiều hộ dân vẫn ra đồng làm đất trồng ngô và gieo sạ những chân ruộng mới khôi phục.

Lãnh đạo xã Tú Lệ động viên nhân dân khôi phục sản xuất.
Lãnh đạo xã Tú Lệ động viên nhân dân khôi phục sản xuất.

Vụ này, gia đình anh Lò Văn Mạnh ở thôn Nà Lóng gieo cấy trên 5.000 m2 ruộng nước; trong đó, 90% diện tích được gieo cấy bằng giống nếp Tan. Đó cũng là cơ nghiệp cả một gia đình 6 nhân khẩu trông vào.
 
Thế nhưng, chỉ một đêm lũ quét đã cuốn trôi tất cả. Lo lắng cho cuộc sống của gia đình những ngày sắp tới, ngay sau bão lũ, anh đã thuê máy xúc về khôi phục các chân ruộng bị bồi lấp ít và xin giống lúa về cấy và gieo sạ lại.
 
Cùng với sự hỗ trợ giống ngô của Nhà nước, đến nay, anh đã gieo trồng lại trên 2.500 m2 ruộng nước. Tuy nhiên, do thời tiết vẫn mưa kéo dài, nguy cơ lũ quét, ngập lụt có thể trở lại, cùng với hệ thống thủy lợi đã bị phá hủy nên việc tưới tiêu cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, ngay trong lúc trời vẫn còn mưa, anh đã tranh thủ đào rãnh, khơi mương.
 
Anh Mạnh cho biết: "Chắc cũng chỉ khắc phục tạm thời thôi vì ruộng toàn cát, gieo cấy lúa, ngô có lên cũng không đạt năng suất. Giờ mới khôi phục được nửa diện tích đất, số còn lại coi như bỏ không. Về lâu dài, gia đình tôi cũng chưa biết lấy gì sinh sống”.

Cánh đồng Tú Lệ có diện tích 155 ha, được tưới tiêu bởi hai con suối lớn là Nậm Lung và Nậm Có. Đợt mưa lũ vừa qua, nước ở 2 suối dâng lên rất nhanh, cuốn theo nhiều cát, đá vào hầu hết các chân ruộng dọc 2 con suối.
 
Theo thống kê của chính quyền xã, đã có trên 92 ha lúa nước bị thiệt hại. Theo thông lệ, vụ mùa này, nhân dân Tú Lệ thường gieo cấy 80 – 90% diện tích bằng giống lúa nếp Tan nên diện tích lúa nếp đặc sản này bị ảnh hưởng cũng rất lớn trên 60 ha. Mưa bão ảnh hưởng hơn nửa diện tích lúa nước nguồn thu nhập chính của đồng bào nơi đây nên gây nguy cơ thiếu đói rất cao.
 
Ngay sau mưa bão, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn, bản vận động nhân dân tích cực khôi phục các diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp. Do thời vụ gieo cấy đã muộn trong khi thời gian cải tạo đất kéo dài nên xã chủ trương vận động nhân dân trồng ngô là chủ yếu.
 
Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với các đơn vị thủy nông tiến hành gia cố, nạo vét khắc phục tạm thời các đoạn kênh mương bị hư hỏng nhẹ để bảo đảm tưới tiêu cho các diện tích được khôi phục và chưa bị ảnh hưởng. Xã đã tiếp nhận và cấp kịp thời trên 1,2 tấn ngô lai cho bà con. Đến đầu tháng 8, toàn xã đã khôi phục trên 30 ha, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 40 ha bị đất đá bồi lấp sâu không thể phục hồi được.
 
Ông Hoàng Văn Soàn – Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: "Trong số các hộ gia đình bị thiệt hại đất sản xuất nông nghiệp, có khoảng 20 hộ mất đất gần như hoàn toàn. Việc khôi phục sản xuất cho các hộ này là rất khó khăn, trong khi quỹ đất 5% của xã không còn. Rất mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân bị bồi lấp sâu có kinh phí san gạt đất đá hoặc chuyển đổi cây trồng. Đối với những hộ bị mất đất hoàn toàn, cần có cơ chế giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp để bảo đảm đời sống”.

Mưa bão đã qua nhưng nỗi lo về kế sinh nhai cho nhiều gia đình ở Tú Lệ vẫn chưa hết. Trước mắt, nhân dân Tú Lệ đang tập trung khôi phục sản xuất và chăm sóc cho những diện tích lúa còn lại. Mong thời tiết thuận hòa để Tú Lệ lại có thêm niềm vui mùa cốm, mùa vàng trên non.

Trần Van

Các tin khác
Nhờ nuôi ong mật, gia đình ông Trần Xuân Trường ở thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

YBĐT - Xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái có diện tích rừng lớn, nên việc nuôi ong lấy mật đã trở thành nghề tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Trần Xuân Trường là một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có nhiều đõ ong nhất ở thôn Trực Bình 2.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang có những chuyển biến lớn, tích cực tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nông thôn.

Thực tế triển khai đã khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết số 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu trao đổi với người dân về hiệu quả của cây sơn tra.

YBĐT - Huyện Trạm Tấu hiện có 3.436 ha sơn tra, trong đó có 800 ha đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm người dân thu về 3,15 tỷ đồng từ bán quả sơn tra.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Yên Bình hướng dẫn người nộp thuế.

YBĐT - Theo Cục Thuế tỉnh Yên Bái, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành thuế tỉnh đã kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế 1.770 lượt hồ sơ, bằng 119% so với cùng kỳ; trong đó, hồ sơ được chấp nhận 1.764 lượt, chờ giải trình 6 lượt; số thuế giảm khấu trừ 5 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục