Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/9/2018 | 9:56:42 PM

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết, vẫn cần quan tâm nhiều đến vấn đề tổ chức sản xuất, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Đó là thông tin được cho biết tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 7/9 tại Hà Nội.

Hội nghị thu hút trên 200 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham dự. 

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ NN&PTNT nêu rõ, tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước đã được khẳng định. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực đạt được trong 10 năm qua.

Cụ thể, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong 5 năm 2013-2017, chủ trương cơ cấu lại được ngành được tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Trong đó, đã tạo được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng.

Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,5 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đã có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Mặt khác, sau hơn 8 năm (2010-2018), phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Tính đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (chiếm 38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26% tiêu chí/xã, có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, trong quá trình triển khai Nghị quyết, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng nông nghiệp chưa vững chắc, những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục nhiều từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa sản xuất tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Phát triển chế biến nông lâm thủy sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ nổi lên là vấn đề bức thiết, khi khả năng tiêu thụ chưa đáp ứng được sản xuất lớn và đang tăng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, ngành nông nghiệp nước nhà sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy những thách thức khi Việt Nam hội nhập. Vì vậy, với những thành tựu của khoa học công nghệ đặt nền tảng cho nông nghiệp, mở cửa thị trường nông sản cho phép chúng ta chuyển cơ hội lớn trong tổ chức sản xuất, tham gia chuỗi nông sản toàn cầu. Đặc biệt, cần tìm ra các giải pháp để tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu khốc liệt và cơ hội hội nhập khi xuất phát điểm của chúng ta không cao về khoa học công nghệ, trình độ quản trị.


Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BT)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả Nghị quyết, yếu tố hết sức quan trọng là phát huy vai trò chủ thể của người dân, cần thực hiện nhiều biện pháp từ ban hành cơ chế chính sách, vận động phong trào để tuyên truyền khuyến khích người dân tham gia cùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Bên cạnh đó, cần lấy thị trường là động lực để phát triển, đồng thời áp dụng cơ chế thị trường cần đi đôi với quản lý nhà nước.

Đồng chí Cao Đức Phát cho rằng, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế có thể thấp, nhưng nông nghiệp vẫn là lợi thế của Việt Nam mà chúng ta cần phải phát huy. Trong điều kiện mới, cần sự kết hợp và hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các lĩnh vực khác để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững; vì vậy, cần xác định rõ cách tiếp cận với từng lĩnh vực cụ thể trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

(Theo ĐCSVN)

Các tin khác
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông tạm giữ rau củ, quả không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Trong thời gian vừa qua, tại tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng các loại nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc vận chuyển vào thành phố Đà Lạt, phù phép thành sản phẩm của địa phương này rồi mang đi nơi khác tiêu thụ, gây thiệt hại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng và kinh nghiệm phát triển ”tam nông” của Nhật Bản sẽ là những bài học quý báu cho Việt Nam trong hoạch định chính sách, định hướng lớn về phát triển tam nông tại Việt Nam.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thực hiện hơn 10 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản...

YBĐT - Tháng 8/2016, HTX Cam sành Lục Yên được thành lập với 16 thành viên là những nhà vườn giàu kinh nghiệm về canh tác cây ăn quả có múi, có cán bộ, công nhân thành thạo kỹ thuật nhân giống cây ăn quả; có vườn ươm giống và tổng diện tích cây ăn quả là 110 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục