"Đường đặc thù" tạo diện mạo mới cho vùng cao Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2018 | 10:36:49 AM

YênBái - YBĐT -  Gọi là "đặc thù" bởi những con đường này chỉ có ở các thôn, bản vùng cao của huyện Văn Yên. Với quy mô bề rộng 1 m, dày 12 cm, ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. 


"Đường đặc thù” giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa huyện Văn Yên đi lại thuận tiện hơn. 

Gọi là "đặc thù" bởi những con đường này chỉ có ở các thôn, bản vùng cao của huyện Văn Yên. So với những tuyến đường giao thông nông thôn vẫn được bê tông hóa bằng nguồn ngân sách nhà nước thì đường đặc thù tiết kiệm được gần 70% chi phí đầu tư trong khi thời gian thi công nhanh chóng, thuận tiện, diện bao phủ lớn nên số thôn, bản, người dân được hưởng lợi cũng vì thế mà nhiều hơn. 

Những con đường này đang mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho vùng cao của Văn Yên.

Nếu như trước đây, mỗi khi nhắc đến tuyến đường liên thôn Đam 1 - Đam 2 - Bùn Dạo - Làng Khoang của xã Lang Thíp thì ai cũng lắc đầu ngán ngầm. Dù chỉ dài khoảng 15 km nhưng từ Làng Khoang ra trung tâm xã Lang Thíp phải mất vài tiếng đồng hồ, khi mưa gió xảy ra, giao thông trên tuyến này gần như bị tê liệt. 

Đường nhỏ, dốc cao, trơn trượt và bùn lầy khiến hơn 1.000 nhân khẩu và học sinh 2 điểm trường lẻ nơi đây đi lại rất khó khăn; giao thương, buôn bán vì thế cũng trì trệ. Giờ đây, tuyến đường đã được đầu tư kiên cố hóa theo chương trình đường 1 m của UBND huyện Văn Yên. 

Từ trung tâm xã, chúng tôi chỉ mất ít phút để có mặt tại thôn Đam 1 và gặp gỡ, hỏi chuyện ông Triệu Trung Kim - một người dân của thôn Đam 1 khi ông đang đi đón cháu tại điểm trường mầm non Đam 2. 

Ông phấn khởi cho biết: "Trước kia là đường đất, người dân chúng tôi đi lại rất khó khăn. Từ đây ra trung tâm xã phải qua 9 đoạn suối nên khi có mưa lũ thì không đi lại được. Giờ được đổ bê tông rồi, đi lại thuận lợi, học sinh đi học dễ dàng, nông sản đến vụ thu hoạch vận chuyển rất tiện và còn được giá cao hơn nữa”. 

Không mừng, không vui sao được khi mà chỉ sau một thời gian ngắn, con đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt đã được mở rộng và kiên cố hóa. Từng chiếc xe máy đón con em đi học về rồi chở quế, chở ngô cứ ngược xuôi theo nhau. Gặp chúng tôi, ai cũng nở nụ cười thân thiện.

Ông Nguyễn Trọng Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Lang Thíp tranh thủ thông tin: "Trước khi có quyết định của huyện về làm 5,7 km đường đặc thù, xã chỉ đạo thôn Đam 1, Đam 2, Bùn Dạo tổ chức họp thôn và lấy ý kiến nhân dân về hiến đất cũng như số tiền đóng góp để làm đường, đắp lề, đào rãnh. Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ nên việc triển khai chuẩn bị mặt bằng và thi công được triển khai rất nhanh chóng”.

"Đường đặc thù” là tên gọi rất mới ở Văn Yên. Như hiểu ý, Phó Chủ tịch UBND xã Lang Thíp chỉ tay về phía con dốc trước mặt, giọng hứng khởi giải thích với chúng tôi: "Con đường này rộng 1 m, dày 12 cm, so với những con đường được bê tông hóa trước đây thì quy mô nhỏ hơn. Tiếp nữa, các tuyến đường này được đầu tư xây dựng tập trung ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa nhằm mục đích giải quyết việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế cho nhân dân”. 

Nói về hiệu quả của tuyến "đường đặc thù”, ông Lê Minh Lập - Chủ tịch UBND xã Lang Thíp nhấn mạnh: "Tuyến đường này không chỉ giúp nhân dân 3 thôn đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện cho các cháu học sinh đi học dễ dàng. Sau khi được bàn giao và đưa vào sử dụng, địa phương đã cắm biển hạn chế xe và giao cho từng thôn để quản lý, sửa chữa định kỳ". 

"Hiện tại, trong số 19 thôn đã có 2 thôn có đường bê tông theo chương trình 135 và 5,7 km "đường đặc thù”. Vì thế, địa phương mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục đầu tư làm đường đặc thù để tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của nhân dân” ông Lập nói.

Cùng chung niềm vui với nhân dân xã Lang Thíp, tại các thôn: Ao Ếch (xã Châu Quế Thượng), Khe Dẹt (xã Phong Dụ Thượng), Khe Lép 1, Khe Lép 2, Khe Lép 3 (xã Xuân Tầm)... các tuyến "đường đặc thù” cũng được triển khai đầu tư, xây dựng. 

Ông Hoàng Ngọc Nhưỡng - Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng phấn khởi: "Địa phương có 5 km "đường đặc thù” từ thôn Khe Hóp đi Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 vừa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Dù chưa bằng đường bê tông theo chương trình 135 là rộng 3 m, dày 18 cm nhưng nhân dân rất vui, rất phấn khởi vì đi lại thuận tiện và có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”. 

Trao đổi về vấn đề này, theo ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Yên, trong những năm qua, tranh thủ các nguồn lực, Văn Yên đã kiên cố hóa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên tỷ lệ được kiên cố hóa đạt thấp, nhất là các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư nên việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. 

Xác định việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường là nhiệm vụ cần phải làm, huyện có chủ trương triển khai xây dựng các tuyến "đường đặc thù” đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn với quy mô bề rộng 1 m, dày 12 cm. Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. 

Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Văn Yên triển khai làm trên 200 km "đường đặc thù”, trung bình mỗi xã sẽ có từ 2 - 3 thôn, bản được hưởng lợi từ dự án này. Trong đó, năm 2018 sẽ có 30 km "đường đặc thù” được đầu tư xây dựng. 

Ngân sách huyện sẽ bảo đảm đầu tư 100% kinh phí cho việc làm mới các tuyến đường này, người dân đóng góp ngày công để làm mặt đường, khơi thông cống rãnh và đắp lề đường. 

Trên cơ sở đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã cử cán bộ tổ chức khảo sát, rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đường và xây dựng các kế hoạch thực hiện hàng năm cũng như cả giai đoạn. Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do địa bàn triển khai chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; bên cạnh đó, mưa nhiều, thiên tai, sạt lở cũng ảnh hưởng đến thi công. 

Tuy nhiên, có sự chỉ đạo sát sao của huyện, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng như sự nhiệt tình, chung sức của nhân dân nên đến nay toàn huyện đã làm được 20 km, phục vụ nhu cầu đi lại của hàng trăm hộ dân tại các thôn, bản khó khăn.

Có thể nói, việc cứng hóa đường với quy mô 1 m không phải là mới nhưng để làm có quy hoạch, bài bản thì Văn Yên là địa phương đầu tiên triển khai. 

Từ cách làm sáng tạo và hiệu quả thực tế của đường đặc thù tại huyện Văn Yên, các cấp chính quyền, ngành chức năng nên xem xét, mở rộng triển khai "đường đặc thù” tại các địa phương khác trong tỉnh. Bởi trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn ki-lô-mét đường đến các thôn, bản khó khăn chưa được cứng hóa. 

Để kiên cố hóa tất cả tuyến đường này cần phải có một nguồn lực lớn cũng như phải cần thời gian nhiều năm mới thực hiện được. Do vậy, "đường đặc thù” có thể được coi là giải pháp hữu hiệu để mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho các thôn, bản khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Hùng Cường

Các tin khác

Ô tô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được miễn thuế nhập khẩu theo Hiệp định tự do Việt Nam - EU. Mức thuế 0% này có thể sẽ khiến giá xe giảm mạnh.

Kiểm lâm huyện Lục Yên hướng dẫn người dân xã Tân Phượng kỹ thuật phát dọn nương rẫy.

YBĐT - Những năm qua, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên đã có thành lập các nhóm quản lý, bảo vệ rừng đồng thời, tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Hết tháng 10/2018, xuất khẩu có thể đạt 200 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 189,604 tỷ USD, hết tháng, con số này có thể đạt 200 tỷ USD.

Dự kiến, 613 triệu USD vốn tài trợ ODA của ADB đầu tư cho 7 dự án trong năm 2018. Trong đó có 3 dự án đã được Thủ tướng phê duyệt đầu tư, 3 dự án đang được trình xem xét phê duyệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục