Công tác quản lý Nhà nước đã tập trung vào quản lý trật tự kinh doanh. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chú trọng việc phòng, chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, thuốc lá, gas, xăng, dầu…, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ các điều kiện theo quy định.
Công tác xúc tiến thương mại đã tích cực tìm kiếm thị trường, tạo dựng và thúc đẩy các quan hệ thương mại trong và ngoài tỉnh, mang lại những hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức gần 10 hội chợ, thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và mở rộng thị trường, thành phố đã phối hợp với Sở Công thương đưa sản phẩm chè của Công ty TNHH Đức Thiện và Công ty TNHH chế biến chè Hữu Hảo tham gia Dự án áp dụng quy trình sản xuất chuẩn quốc tế do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ; hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm.
Công tác quản lý về an toàn thực phẩm, đã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân.
Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án, đã tạo được cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ có căn cứ thực hiện, triển khai các dự án đầu tư và là cơ sở để triển khai các hỗ trợ của tỉnh và thành phố. Thành phố đang có trên 300 doanh nghiệp thương mại và hơn 7.000 hộ kinh doanh cá thể.
Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 9.400 tỷ đồng (tăng 539 tỷ đồng so với năm 2016, bằng 62,66% mục tiêu đến năm 2020 của Đề án).
Tổng số cơ sở thương mại dịch vụ năm 2017 là 7.603 cơ sở (tăng 50 cơ sở so với năm 2016, bằng 84,47% mục tiêu năm 2020 của Đề án). Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ năm 2017 là gần 15.000 người (tăng 100 người so với năm 2016, bằng 83,64% mục tiêu năm 2020 của Đề án).
Ngành thương mại, dịch vụ của thành phố trong năm ngoái đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước 68 tỷ đồng (tăng 17,1 tỷ đồng so với năm 2016, đạt 63,46% so với mục tiêu đến năm 2020 của Đề án).
Thời gian tới, thành phố Yên Bái tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong định hướng phát triển thương mại, dịch vụ; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh hình thành các khu dân cư mới gắn với phát triển thương mại, dịch vụ theo định hướng quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn của tỉnh, ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; bồi dưỡng nhân lực, phát triển đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành thương mại, dịch vụ...
Hồng Oanh