Biểu lãi suất mới nhất được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank công bố đầu tháng 11 tiếp tục tăng lên với mức khoảng 0,1% so với mức lãi suất huy động của tháng 10.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng với lãi suất dao động từ 5,1%-7,3%/năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất của VPBank tăng từ 7,2%/năm (trong tháng 10) lên 7,3%/năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên và có kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Tại OCB, từ ngày 10/11, ngân hàng này cũng thay đổi biểu lãi suất theo hướng tăng 0,1-0,2%/năm tại một số kỳ hạn. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất của ngân hàng là 7,7% áp cho kỳ hạn 36 tháng.
Trước đó, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tăng nhẹ. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng là 4,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5%/năm, 6 -11 tháng là 6%/năm.
Còn Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB), ngoài việc áp dụng biểu lãi suất mới còn tặng quà hoặc tặng thêm lãi suất tối đa 2%/năm cho khách hàng cá nhân gửi góp định kỳ từ 500.000 đồng trở lên.
Tại Ngân hàng VPBank, lãi suất huy động đang áp dụng 5,1 - 5,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Các kỳ hạn khác cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm % với mức lãi suất cao nhất hiện là 7,3%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng này còn công bố triển khai thêm chương trình ngày vàng huy động để cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền từ 6 tháng đến 1 năm, mức cộng từ 0,3-0,5% so với biểu lãi suất tham chiếu, theo đó lãi suất 6-11 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 7,6%/năm.
Tại các ngân hàng khác, lãi suất duy trì khá cao, đặc biệt là nhóm ngân hàng nhỏ. Các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đang được huy động từ 5,2-5,5%/năm còn kỳ hạn dài cao nhất hiện là hơn 8%/năm. Mức lãi suất cao nhất hệ thống đang nằm trong tay các ngân hàng: NCB, Viet Captial Bank, Nam Á...
Trên thị trường liên ngân hàng, từ cuối tháng 10 đến nay, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng cũng được đẩy lên rất cao. Không chỉ lãi suất cao mà doanh số giao dịch các phiên cũng rất lớn. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, ngày 15/11 vừa qua có tới hơn 44.000 tỷ đồng được giao dịch, trong khi trước đây, doanh số cao cũng chỉ ở quanh mức 30.000 tỷ đồng/phiên.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc tăng lãi suất thời điểm tháng 11,12 là động thái mang tính thời vụ bởi các ngân hàng đẩy mạnh hút tiền nhàn rỗi để sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp vay dịp đầu năm mới. Bên cạnh đó, điều này cũng cho thấy, thanh khoản của hệ thống có biểu hiện căng thẳng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đẩy mạnh tăng lãi suất huy động để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ 1/1/2019.
(Theo VOV)