Sau hơn 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NNNDNT) tỉnh Yên Bái đã có sự chuyển biến rõ nét.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành từ 4 - 5%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,9% so với năm 2015, tăng 36% so với năm 2010; cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt từ 75,3% xuống còn 67,3%; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 23% lên 31,5%; các ngành lâm nghiệp, thủy sản đều tăng.
Tỉnh đã dần hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm gần 400 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 3.500 ha, vùng quế trên 68.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 3.600 ha, vùng sơn tra trên 6.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha...
Tỉnh đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ như: cam sành Lục Yên, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò...
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, NNNDNT của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trước yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Đó là, phương thức sản xuất nông nghiệp cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động kinh tế hợp tác chưa cao.
Ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ còn chậm, nhất là trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sau thu hoạch; kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa hiệu quả. Sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao chưa nhiều, việc gắn kết giữa sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến.
Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tìm kiếm kênh tiêu thụ chưa được đẩy mạnh. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế còn hạn chế...
Từ những hạn chế nêu trên, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho phát triển NNNDNT của tỉnh, đó là, tiếp tục tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với XDNTM, nhằm tạo ra những giá trị mới cho NNNDNT của tỉnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa; nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
Về mục tiêu cụ thể trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,6%/năm; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chiếm 67%, lâm nghiệp chiếm 28%, thủy sản chiếm 5%. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 7.663 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 320.000 tấn/năm.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh tập trung quy hoạch vùng sản xuất và sản phẩm; đối với vùng cao quy hoạch sản xuất theo hướng ổn định an ninh lương thực và đa dạng sinh kế theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; vùng thấp quy hoạch sản xuất theo hướng tập tập trung, chuyên canh, hình thành vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô lớn.
Thực hiện các quy hoạch theo sản phẩm đối với sản phẩm hàng hoá, tập trung chuyên canh và sản phẩm đặc sản, bản địa, cụ thể: vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng cao với quy mô 2.500 ha tại các địa phương có điều kiện thuận lợi gồm: cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn 1.400 ha; cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông, huyện Văn Yên 600 ha; cánh đồng Vĩnh Lạc - Mường Lai, huyện Lục Yên 600 ha; sản phẩm 28.000 tấn/năm.
Vùng cây ăn quả có múi tập trung với quy mô 4.500 ha tại các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên; sản phẩm đạt 45.000 tấn/năm; vùng trồng dâu nuôi tằm tại các xã ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Yên, với quy mô diện tích 1.000 ha; sản lượng kén tằm đạt 2.000 tấn/năm; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh tập trung với quy mô 700 ha; vùng trồng quế với quy mô 7.060 ha; vùng sản xuất tre măng Bát độ tập trung với quy mô 6.600 ha tại các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn... Mở rộng vùng thâm canh cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ theo hướng tập trung, với quy mô 10.000 ha, tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Cùng đó, tỉnh tập trung chỉ đạo chú trọng việc lựa chọn giống cây, con có chất lượng tốt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quy trình kỹ thuật vào sản xuất; tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; củng cố và nâng cấp các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ; ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; lồng ghép và tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và tìm thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững theo từng ngành hàng chủ lực.
Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM; có 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM; có 3 - 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đức Toàn