Có được kết quả đó là do trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ rừng và nhân dân đã có nhiều cố gắng, chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Thống kê qua các năm, diện tích rừng của tỉnh tăng dần. Hiện nay, diện tích đất có rừng là 461,366, ha. Trong đó: rừng đặc dụng 35.469,6 ha; rừng phòng hộ 138.737,3 ha; rừng sản xuất 243.468,2 ha; rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp: 43.672,9 ha, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2018 dự kiến đạt 63%.
Là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các địa phương vùng cao, tập quán sản xuất nương rẫy vẫn còn phổ biến, nên trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng phá rừng làm nương, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển trái phép, đặc biệt là cháy rừng mùa khô hanh.
Vì vậy, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, chủ động ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh trước hết cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 31/10/2018 về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô hanh 2018 - 2019.
Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về tình hình phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ rừng, diễn biến thời tiết khô hanh, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các chủ rừng triển khai thực hiện tốt các phương án bảo vệ rừng và PCCCR. Lực lượng kiểm lâm cần tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có trên địa bàn, xây dựng phương án quản lý rừng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường tuần tra ở những khu vực trọng điểm…
Đối với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất nông nghiệp tại địa phương; tiến hành rà soát, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương, triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ và PCCCR; chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở hỗ trợ chủ rừng kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Cần bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy, lắp đặt các biển báo, thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc hiệu quả; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm chỉ huy PCCCR trong các tháng khô hanh ở những nơi có nguy cơ cháy cao; quán triệt và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”.
Riêng những địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương, quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện các quy định bảo vệ rừng, PCCCR… Ngăn chặn và hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái phải là quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân các dân tộc.
Khánh Linh