Sáng 23/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hinrich Foundatione (tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phát triển chính sách thương mại ở châu Á) công bố "Chỉ số Thương mại bền vững 2018”.
Thương mại quốc tế đóng vai trò nền tảng cho phát triển kinh tế. Vì vậy, tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu từ lâu đã là một chính sách ưu tiên đối với các chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ số Thương mại bền vững 2018 đánh giá ở 19 nền kinh tế Châu Á và Mỹ, với 28 chỉ báo trên 3 lĩnh vực được coi là trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo đó, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng, tăng 2 điểm so với năm 2016 và tăng 6 điểm về mức thu nhập quốc gia, hiện xếp hạng GDP tính theo đầu người của Việt Nam đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng.
Điểm tổng thể về Chỉ số thương mại bền vững 2018
Ở bảng xếp hạng này, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu, Myanmar đứng cuối, Việt Nam đứng sau liền kề Trung Quốc (thứ 8) và trước liền kề Philippines (thứ 10).
Xét chỉ số về trụ cột kinh tế, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng (trong khi đó Singapore dẫn đầu và Myanmar đứng cuối). Việt Nam là một trong những quốc gia có biểu hiện tốt nhất trên bảng chỉ số này. Cùng với 12 quốc gia khác, Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự mở của thương mại và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới.
Về xã hội, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 và cao hơn các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Đây là thành quả của việc hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động (được xây dựng trên chỉ số việc hạn chế lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cải thiện quyền của người lao động).
Tuy nhiên về môi trường, Việt Nam lại xếp thứ 16, giảm 5 bậc so với năm 2016, do tỷ lệ phá rừng vẫn ở chỉ số cao.
Chỉ số Thương mại bền vững 2018 đánh giá mức độ sẵn sàng của 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ khi tham gia vào thương mại bền vững. Ví dụ như, tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài và thu hút sự hỗ trợ từ các cơ quan hợp tác quốc tế một cách bền vững. Bảng chỉ số được công bố lần đầu vào năm 2016 và năm nay là lần thứ 2.
|
Ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu quỹ Hinrich Foundation nhận định, Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu với nhiều tiến độ vững chắc hướng tới thương mại bền vững.
Trong lĩnh vực kinh tế, cùng với mức tăng trưởng GDP ấn tượng, Việt Nam còn rất cởi mở trong giao thương thương mại với chỉ số tự do hóa tài khoản vãng lai xếp đầu bảng. Việc ký kết Hiệp định CPTPP là một minh chứng mà Việt Nam cam kết hướng đến tự do hóa thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với các tập đoàn đa quốc gia ngày càng coi trọng các yếu tố bền vững trong quyết định đầu tư, những chính sách thương mại bền vững đã giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ vốn FDI trong GDP. Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực Đông Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Để đảm bảo thương mại là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Việt Nam và tiếp tục trở thành điểm nóng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Ông Stephen Olson khuyến cáo: "Việt Nam cần nhìn lại những chỉ số môi trường quan trọng, nhất là tỷ lệ phá rừng hiện đang nằm trong danh sách những chỉ số cao nhất.
Ngoài ra giảm thiểu chi phí thương mại cũng là một ưu tiên cần được xem xét. Chỉ số này được xây dựng dựa trên 4 yếu tố là cơ cấu hạ tầng, hậu cần, vấn nạn tham nhũng và hệ thống pháp lý nhằm đo lường gánh nặng cho nền kinh tế tạo ra bởi hệ thống thương mại”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Việt Nam cần khắc phục xu hướng suy giảm lực lượng lao động do già hóa dân số; Giảm trừ các chi phí thương mại liên quan đến cơ sở hạ tầng, hậu cần và các chi phí khác từ hệ thống pháp lý và quản lý; Giảm bớt những rủi ro trong quá trình thanh toán thương mại; giảm tỷ lệ phá rừng và ô nhiễm nguồn nước do yếu tố thương mại và sản xuất.
(Theo VOV)