CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tác động rất lớn tới hầu hết các lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng về hoạt động nhập khẩu, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, hầu hết hàng hóa từ 10 thị trường thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0%, ngược lại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào 10 thị trường đối tác cũng được hưởng thuế suất này. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là những yếu tố sẽ tác động rất lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như nước ta.
Không chỉ vậy, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do nói chung, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế và chính sách cạnh tranh bình đẳng, những hỗ trợ và ngoại lực hữu ích khác. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển, cũng giúp duy trì hòa bình…
Tu nhiên, bên cạnh rất nhiều lợi ích hiện hữu, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp CPTPP cũng sẽ khiến Việt Nam chịu thêm không ít áp lực. Tại hội thảo "CPTPP - cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã mổ xẻ những thách thức của Việt Nam khi thực thi Hiệp định CPTPP. Theo đó, cộng đồng DN phải đối mặt với hàng loạt sức ép như: Sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Sức ép giảm mức thuế, dịch chuyển và xói mòn cơ sở thuế; Sức ép vượt các hàng rào kĩ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật; Sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà…
Mới đây, tại Báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, cũng đã chỉ ra 6 thách thức lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP, cụ thể:
Thứ nhất là, thách thức về kinh tế. Về thương mại hàng hóa, do Việt Nam đã có FTA với 7 trên 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước này. Về thương mại đầu tư, một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics… có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN trong nước nói chung…
Thứ hai là, thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động…
Thứ ba là, thách thức về xã hội. Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số DN lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do cơ cấu xuất nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.
Thứ tư là, thách thức về thu ngân sách. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico và Peru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn.
Thứ năm là, thách thức trong lĩnh vực lao động. Thách thức ở đây liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại DN và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của Tổ chức Lao động Thế giới, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Thứ sáu là, thách thức trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Việt Nam đã ký thư song phương với các thành viên CPTPP về các nghĩa vụ Tự do lưu chuyển thông tin và Yêu cầu đặt máy chủ tại nước sở tại trong 2 điều khoản thuộc Chương Thương mại điện tử. Thư song phương này có giá trị hạn chế khả năng Việt Nam bị khiếu kiện trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực… Trong và sau lộ trình 5 năm, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, biện pháp thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP, Luật An ninh mạng và một số văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam nhằm vừa bảo đảm an ninh quốc gia nhưng cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại số trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Việc thành công khi tham gia CPTPP ra sao phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ càng của các cơ quan quản lý cùng với sự chủ động của từng DN.
(Theo tapchitaichinh)