Để thực hiện hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) và nhãn hàng hóa đối với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, ngày 28/9/2018, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ra Quyết định số 148/QĐ-SKHCN thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về TCĐLCL và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng; vàng trang sức, mỹ nghệ năm 2018.
Theo đó, thực hiện Quyết định 148 từ ngày 02/10 đến ngày 22/10/2018, Đoàn Thanh tra liên ngành do bà Hoàng Thị Hồng Vân - Chánh Thanh tra Sở KH&CN làm trưởng đoàn đã tiến hành thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng; vàng trang sức, mỹ nghệ (2 doanh nghiệp sản xuất và 36 doanh nghiệp kinh doanh) trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên và Văn Chấn.
Đoàn đã tiến hành thanh tra về đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng; với vàng trang sức, mỹ nghệ, bao gồm: thanh tra việc lưu giữ hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ (kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng).
Việc tuân thủ và thực hiện các quy định về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng; việc ghi nhãn và niêm yết công khai tại nơi kinh doanh tiêu chuẩn công bố áp dụng theo quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ KH&CN, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường để người tiêu dùng biết, lựa chọn khi mua, bán.
Tại thời điểm thanh tra, các doanh nghiệp được thanh tra cơ bản đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định về quản lý đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa theo quy định tại Thông tư 22. Tuy nhiên, cũng đã phát hiện 14 doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Về thủ tục hành chính: các doanh nghiệp được thanh tra đã thực hiện các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; 38 cơ sở, doanh nghiệp được thanh tra đã thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trong đó có 02 doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ).
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ đã niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; lưu giữ hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo; có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ…
Đối với các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đã thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm và ghi nhãn theo quy định pháp luật.
Qua thanh tra 38 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định về đo lường, có 33/38 doanh nghiệp được thanh tra đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đo lường, sử dụng cân kỹ thuật số để giao dịch thanh toán trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và đều có chứng chỉ kiểm định phương tiện đo còn hiệu lực. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Đoàn Thanh tra đã phát hiện 5 doanh nghiệp sử dụng chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực đối với cân kỹ thuật số (phương tiện đo nhóm 2) trong kinh doanh vàng.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra phép đo đối với các sản phẩm hiện các doanh nghiệp đang bày bán tại cửa hàng. Kết quả kiểm tra 100% các mẫu kiểm tra đều có giới hạn sai số bảo đảm yêu cầu theo quy định. Kiểm tra chất lượng vàng của một số sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ các doanh nghiệp đang kinh doanh, kết quả hàm lượng vàng của các sản phẩm được kiểm tra đều đạt yêu cầu cũng như hầu hết đều có nhãn hàng hóa theo quy định.
Tuy nhiên, đoàn đã phát hiện có 9/38 (chiếm 23,68%) doanh nghiệp có hành vi vi phạm: kinh doanh hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Kiểm tra 38 doanh nghiệp, đã phát hiện có 14 (chiếm 36,84%) doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có 9 doanh nghiệp vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; 5 doanh nghiệp sử dụng chứng chỉ kiểm định đã hết hiệu lực đối với phương tiện đo nhóm 2 (cân điện tử kỹ thuật số) trong kinh doanh vàng.
Đoàn Thanh tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm đề nghị Chánh Thanh tra Sở KH&CN ban hành 14 quyết định xử phạt 36 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cuộc thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh và tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc tại các doanh nghiệp được thanh tra. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh còn có nhận thức chưa đầy đủ trong việc kinh doanh đối với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Thông tư 22, góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Nguyễn Thanh Sơn (Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái)