Hiện nay, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 50% GDP của cả nước, nhưng doanh nghiệp (DN) tư nhân mới chỉ đóng góp gần 8% GDP, phần lớn còn lại thuộc về khu vực kinh tế cá thể và kinh tế hộ gia đình. Trong khi đó, số đông thuộc khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh, các DN nhỏ và siêu nhỏ rất muốn cải thiện năng lực để phát huy tiềm năng, nhưng nhiều chính sách hỗ trợ khối DN này hầu như chưa phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tuấn Hiển (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp là rất hạn chế. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ từ phía ngân hàng dành cho DN cũng rất khó tiếp cận bởi hàng loạt các điều kiện mà DN không dễ đáp ứng.
"Doanh nghiệp hoạt động phần lớn bằng nguồn vốn huy động cá nhân. Nhiều khi cần nguồn vốn lớn cho sản xuất đơn hàng mới doanh nghiệp rất bị động. Đặt vấn đề vay vốn tại các ngân hàng thương mại rất khó bởi điều kiện thế chấp hoặc tài sản đảm bảo. Nếu có cố vay qua hệ thống dịch vụ thì lãi suất cao nên nhiều lúc doanh nghiệp phải hủy bỏ đơn hàng”, ông Hiển phân trần.
PGS.TS. Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng Cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, trong nhiều năm tới, khối DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn là thành phần chính của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng trên thực tế, khối này vẫn chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động cũng như thị phần….
"Các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước. Sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đã và đang làm khó cho DN Việt Nam nói chung, DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng. Trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế, khả năng tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải”, PGS.TS. Hoàng Trần Hậu TS chỉ rõ.
Tán đồng với nhận định trên, chuyên gia, TS. Võ Trí Thành nhận xét, một trong những khó khăn nhất đối với khối DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể là khó tiếp cận với các nguồn lực phát triển. Các DN nhỏ cũng như hộ kinh doanh cá thể không được cập nhật những tiến bộ mới trong kinh doanh, mà vẫn làm theo khuynh hướng kinh tế gia đình và phát triển tự nhiên, không có khuynh hướng mở rộng quy mô.
"DN siêu nhỏ ở Việt Nam dùng nguồn vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi nhuận để lại (nếu có) và tín dụng chủ yếu huy động từ bạn bè, người thân. Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các hộ kinh doanh cá thể đang còn rất nhiều bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”, ông Thành nói.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, tình trạng phá sản, không thu hồi được vốn diễn ra khá phổ biến khi khối DN siêu nhỏ, các hộ kinh doanh thường bỏ qua các quy luật của thị trường, chưa có chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa có kinh nghiệm trong phân bổ các nguồn lực tài chính nên gây ra tình trạng lúc thiếu lúc thừa, không nhịp nhàng với quy trình sản xuất kinh doanh.
"Lẽ ra với tỷ lệ cao trong tổng số DN của Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải quan tâm tới các hộ kinh doanh cá thể, các DN siêu nhỏ nhiều hơn, về cả chủ trương và sự thực thi”, TS. Võ Trí Thành đánh giá và nhận xét, chính vì quy mô siêu nhỏ, nhiều DN đang bị "ngó lơ”, tiếng nói của họ ít được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông và do đó ít thu hút sự quan tâm của công chúng và cơ quan chính phủ.
Từ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ ở Trung Quốc, bà Trần Kiều, Vụ Xây dựng kinh tế, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, đến tháng 11/2018, Trung Quốc đã có hơn 30 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (SMEs). SMEs là lực lượng mới trong phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc khi chiếm hơn 50% doanh thu thuế, chiếm hơn 60% GDP, hơn 70% tỷ lệ đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm lao động đô thị và hơn 90% số doanh nghiệp.
"SMEs đang có đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng ổn định, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tạo việc làm và cải thiện sinh kế của người dân Trung Quốc. Trung Quốc đã có Luật khuyến khích SMEs, thành lập quỹ phát triển SMEs theo nguyên tắc định hướng chính sách và hoạt động theo thị trường. Các quỹ phát triển SMEs gồm rất nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, họ tham gia giải quyết vướng mắc về vốn, công nghệ, chính sách của DN trong suốt quá trình phát triển”, bà Kiều cho biết./.
(Theo VOV)