Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Quản trị Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức.
Diễn đàn VBF thường niên là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị cùng với phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt các cấp, các ngành triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Vì lẽ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4% và dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đã đề ra. Ước tính có trên 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng; trong đó đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ đô la Mỹ (USD); xuất khẩu đạt xấp xỉ 240 tỷ USD...
Có được những kết quả đáng kể nêu trên có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dúng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức, sức ép lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn thấp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu...
Do vậy, nỗ lực từ một phía Chính phủ là chưa đủ, cần có sự chủ động tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội và trong đầu tư kinh doanh
Ghi nhận những chuyển biến tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp, ông Tomaso Andreatta - đồng Chủ tịch VBF khẳng định, với việc ban hành Nghị định 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, liên tục trong nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ là cơ hội mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để từ cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, ông Tomaso Andreatta nhận định.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam, ông Michael Kelly, cho biết, trong một khảo sát mới đây với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba trong số họ đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ. Cùng với đó, một phần hai doanh nghiệp nước ngoài tới từ các quốc gia khác lại đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ. Đó chính là cơ hội lớn, đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, ông Michael Kelly nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài chưa hẳn đã là điều tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Nhất là khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những doanh nghiệp này rút khỏi đất nước, ông Michael Kelly đặt vấn đề.
"Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp cần thấy được sự tiến bộ liên tục và hữu hình về các vấn đề được thảo luận tại các phiên họp trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam kỳ này. Các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát; khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được. Các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây", ông Michael Kelly nhấn mạnh.
Từ góc nhìn của các doanh nghiệp trong nước, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF, nhận định, Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng tốc độ thay đổi vẫn chưa đạt yêu cầu. "Chẳng hạn trong Báo cáo Doing Business 2019 mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vừa qua, Việt Nam dù tăng so với chính mình với tổng số điểm tăng từ 66,77 điểm lên 68,36 điểm, nhưng mức độ thay đổi vẫn còn chậm so với các quốc gia khác".
Năm qua, Việt Nam được WB ghi nhận có 3 cải cách lớn trong lĩnh vực gia nhập thị trường, thuế và thực thi hợp đồng nhưng lại giảm 2 cải cách so với năm trước nữa. Trong khi đó, vào năm nay, Trung Quốc được ghi nhận có 7 cải cách, Malaysia được ghi nhận 6 cải cách và thứ hạng hai quốc gia này đang cải thiện rất ấn tượng trong bảng xếp hạng.
Nếu so sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa lọt được vào Top 4 nước đứng đầu. Với vị trí 69, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia (đứng thứ 15) hay Thái Lan (đứng thứ 27)... Để thứ hạng của Việt Nam được gia tăng mạnh mẽ hơn nữa, cần có sự chuyển động đồng đều và mạnh mẽ của tất cả các ngành và lĩnh vực, ông Lộc nêu rõ. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Theo ông Lộc, lĩnh vực nào càng công khai, minh bạch thì lĩnh vực đó càng được ghi nhận cải cách. Năm 2017, lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội tăng đột phá 81 bậc do những cải cách ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Năm nay việc công khai các bản án kinh tế của toà án trên mạng được ghi nhận là một cải cách quan trọng và chỉ số thực thi hợp đồng đã chuyển động tích cực sau nhiều năm "bất động". Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp cũng được đánh giá cao bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin và đăng tải công khai trên mạng. Chính vì vậy, Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có những thay đổi, tác động đến kinh tế toàn cầu; trong đó, có Việt Nam, đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, với phương châm "biến thách thức thành hành động và cơ hội", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD) và nâng cao hơn nữa xếp hạng quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với đó, Việt Nam quan tâm hơn tới các giải pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác công - tư nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; hoàn thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ số; tăng cường khả năng cạnh tranh để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; một số kiến nghị trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển...
(Theo Tin tức)