Bà Sùng Thị Mây - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, Phó ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Yên Bái cho biết: "Hiện nay, trên thị trường các huyện, thị xã, thành phố, hàng Việt trong tỉnh ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng ở vùng nông thôn; sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn đã trở nên sôi động, tâm lý tiêu dùng hàng nội trở thành thói quen của người dân. Người dân nông thôn đa số thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong khi đó, hàng ngoại chất lượng tốt giá quá cao, một số mặt hàng giá thấp chất lượng lại không đảm bảo nên hàng Việt vẫn là sự lựa chọn phù hợp của người tiêu dùng”.
Cùng đó, sự đa dạng về mẫu mã, bao bì hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất ngày càng đẹp và tiện lợi đã thu hút người tiêu dùng đến với hàng Việt. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đã tạo được bước chuyển biến tích cực, có sức lan tỏa đến mỗi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Để đảm bảo Cuộc vận động được triển khai có hiệu quả, MTTQ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến các địa phương và cơ sở. Trong năm 2018, đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các phóng sự, tin bài, chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền cổ động, xây dựng các cụm pa nô, áp pích, băng rôn, khẩu hiệu tại các khu vực đông dân cư, trung tâm xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện Cuộc vận động.
Treo 298 băng rôn, phát hơn 2.000 tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin cho hơn 20.000 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa của Cuộc vận động. Đặc biệt, nhiều chương trình đã đi về tận vùng sâu, vùng xa để có cách nhìn cận cảnh về việc hưởng ứng chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm tiêu dùng ở nông thôn như: "Vị trí hàng Việt ở các chợ vùng nông thôn”, "Xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh Yên Bái”, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên, nhân dân trong tỉnh trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, của tỉnh.
Đồng thời, củng cố và tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm liên quan đến lưu thông hàng hóa như kinh doanh nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, vi phạm về đăng ký kinh doanh, nhãn hàng hóa, đăng ký hoạt động khuyến mại.
Trong năm, các lực lượng chức năng đã xử lý gần 700 vụ vi phạm với tổng giá trị thực hiện đạt trên 8,74 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 8,1 tỷ đồng. Qua đó, củng cố niềm tin cho nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chân chính, làm lành mạnh hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa trên địa bàn...
Về hoạt động hội chợ, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong tỉnh trên 15 phiên hội chợ; ngoài tỉnh 7 phiên; tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn miền núi 3 phiên chợ; triển lãm tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2018 và Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc Yên Bái 2018 thu hút hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia, số lượng khách đến tham quan, mua sắm đạt hàng nghìn lượt khách.
Trong năm 2018, thương mại - dịch vụ trong tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá, sản phẩm phát triển đa dạng, chất lượng được nâng lên, mạng lưới phân phối được mở rộng như: hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn phát triển khá nhanh.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tính đến hết tháng 11 lũy kế ước đạt 11.537,5 tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch, tăng 13,69% so với cùng kỳ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và lưu thông vật tư, hàng hóa. Tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đào tạo nguồn nhân lực.
Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát thị trường được nâng cao, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Anh Dũng