Trước đây, vào mùa đông, kể cả các đợt mưa rét kéo dài, anh Giàng Vàng Lầu ở bản Trống Tàu, xã Làng Nhì vẫn để trâu, bò bị chết. Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, mùa đông năm nay, anh Lầu chủ động theo dõi diễn biến khí hậu, thời tiết, dự trữ thức ăn, làm chuồng kín cho gia súc; di chuyển đàn trâu, bò từ bãi chăn thả về nuôi nhốt tại nhà.
Anh Lầu cho biết: "Hiện, tôi có 20 con trâu, bò và đây là tài sản lớn của gia đình nên việc phòng, chống đói rét cho gia súc vào mùa đông luôn được cả nhà chú trọng”. Là địa phương có số lượng đàn gia súc lớn, nên công tác phòng, chống đói rét cho trâu, bò, lợn luôn được chính quyền xã Làng Nhì chú trọng quan tâm hàng đầu mỗi khi mùa đông đến.
Đồng chí Hờ A Phàng - Chủ tịch UBND xã cho biết: hiện, toàn xã có gần 650 con trâu, 271 con bò, trên 600 con dê và ngựa. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của huyện và các phòng chức năng về việc chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ đông, UBND xã đã xây dựng các kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ đến từng thôn tuyên truyền giúp nhân dân hiểu biết về các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc. Đặc biệt, nhắc nhở đồng bào gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, xanh như làm cây rơm, tận dụng thân lá ngô vụ hè thu, trồng cỏ, trồng cây ngô non để có đủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp. Đặc biệt, ở miền núi, vùng cao không khí lạnh, rét đậm, rét hại có thể xảy ra sương muối, băng giá, mưa tuyết gây ảnh hưởng đến sức khỏe gia súc.
Huyện Trạm Tấu hiện có 8.285 con trâu, 4.748 con bò, 6.334 con dê và gần 20.000 con lợn. Do thói quen người dân vùng cao vẫn thả rông trên núi, khi đến mùa mới di chuyển về để cày kéo dẫn đến tình trạng trâu bò bị chết đói, rét khi nhiệt độ thời tiết xuống thấp.
Để chủ động và quyết tâm không để thời tiết giá lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn gia súc, UBND huyện Trạm Tấu đã chủ động ban hành Kế hoạch 177 về "Phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc trong vụ đông xuân năm 2018 - 2019”. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc thực hiện bắt buộc các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc.
Về chuồng trại, huyện Trạm Tấu chỉ đạo làm mới và tu sửa chuồng trại nuôi nhốt gia súc đạt trên 87 % số hộ chăn nuôi. Những ngày rét đậm, rét hại và mưa tuyết, băng giá, các hộ chăn nuôi sử dụng bạt dứa, phên cỏ hoặc vật liệu khác có sẵn để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc; không để đọng nước trên nền chuồng, gạt băng giá phủ trên mái chuồng nuôi và thu gom ra xa khu vực nuôi nhốt để chống rét.
Đồng chí Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: hiện tại, nhiệt độ ở Trạm Tấu từ 11 - 15 độ C. Để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc trong đợt rét đầu mùa và cả trong mùa đông, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong phòng chống đói, rét cho gia súc.
Cụ thể, gia cố lại chuồng trại, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô xanh; chủ động làm cây rơm, tận dụng thân, lá ngô vụ đông, trồng cỏ, trồng cây ngô non để có đủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm các bệnh thường xảy ra trong mùa đông như: viêm khớp, cước chân, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng... để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Cùng đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người dân biết, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không chăn thả ngoài trời; bổ sung cho gia súc thức ăn và cho uống nước ấm; không cho trâu, bò cày kéo; khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài, nên sử dụng bao tải, chăn cũ mặc cho trâu, bò...
Hà Tĩnh