Yên Bái đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/12/2018 | 10:23:38 AM

YBĐT-  "Cà phê doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” là một trong những chương trình và hành động cụ thể đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp của tỉnh trong những năm qua.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo Mường Lò tại Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2018.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo Mường Lò tại Hội nghị kết nối cung cầu Yên Bái năm 2018.

Mục tiêu phát triển quy mô và chất lượng của doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020 có khoảng 1.900 doanh nghiệp và khoảng 370 hợp tác xã hoạt động; tỷ lệ huy động tổng sản phẩm trong tỉnh vào ngân sách tăng lên 10,5%; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động/ năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Yên Bái đã và đang đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với chủ trương xuyên suốt là gỡ bỏ mọi rào cản, tạo động lực cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế phát triển, thời gian qua, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể, trong đó có Chương trình "Cà phê doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Sau gần 3 năm tổ chức, Chương trình "Cà phê doanh nhân" đã đem lại hiệu quả thiết thực. 

Bà Bùi Thị Sửu - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, trụ sở tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái nhận định: "Cà phê doanh nhân" là một chương trình thiết thực đối với doanh nghiệp, doanh nhân; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được chia sẻ kinh nghiệm với nhau; đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới để bàn bạc, biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả hơn”.

Để khẳng định quyết tâm, trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ. 

Theo đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã không ngừng được đổi mới và cải thiện. Khi đến với Yên Bái, các nhà đầu tư được hưởng thêm các ưu đãi đầu tư theo quy định của tỉnh như: được ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ về san tạo, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương; kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và chính sách ưu đãi về thuế... 

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính để phục vụ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Thời gian để hoàn thiện các thủ tục hành chính được rút từ 15 ngày xuống còn 5-7 ngày. Thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng, thuê đất đai, cấp điện nước, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục hành chính khác liên quan đến doanh nghiệp không quá 7 ngày.... 

Những giải pháp sát thực này đã tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, được các doanh nghiệp đánh giá cao, do đó, ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh với nhiều dự án lớn đã và đang thực hiện như: Dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện của Tập đoàn Hoa Sen; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố thương mại Shop-House của Tập đoàn Vingroup; Dự án đầu tư Nhà máy chế biến gỗ Kim Gia của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Kim Gia; Dự án xây dựng Nhà máy ươm tơ Miền Bắc; Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Thiên đường Nam Cường của Công ty TNHH Xây dựng Thành Đại... 

Với phương châm "Doanh nghiệp đạt được thành tích chính là tỉnh đạt được thành tích, doanh nhân thành công chính là tỉnh thành công”, thời gian tới, cùng với chia sẻ, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp dựa trên tinh thần chính quyền là người đồng hành hơn là nhà quản lý đối với doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đổi mới phong cách làm việc, đề cao trách nhiệm cá nhân, nâng cao kỷ luật công vụ và kỹ năng hành chính của cán bộ thực thi nhiệm vụ, kiên quyết xử lý những cá nhân có biểu hiện sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc nghiên cứu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, sản xuất phù hợp với tiến trình hội nhập và điều kiện thực tế của tỉnh... Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiếp cận, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên: 


Là địa phương có diện tích quế hơn 800ha, sản lượng quế tươi trung bình đạt hơn 450 tấn/ năm, chính quyền địa phương đã chủ động tiếp cận, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để tạo liên kết "4 nhà”. 

Năm 2017, gần 20 hộ dân trồng quế trên địa bàn xã đã liên kết được với Công ty Quế hồi Việt Nam - Vina Samex thành lập Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam. Hợp tác xã đã xây dựng được vùng sản xuất quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị kinh tế cao, đồng thời bao tiêu được toàn bộ sản phẩm đầu ra cho các hộ trồng quế trên địa bàn với giá ổn định, cao hơn ngoài thị trường.

Ông Bùi Thanh Dân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh:



Được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nhân, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác và phát triển; thường xuyên nắm tình hình của các doanh nghiệp và tổ chức cho hội viên tham gia chương trình gặp mặt các doanh nghiệp, chương trình Cà phê doanh nhân do UBND tỉnh tổ chức. Qua đó, đề xuất với tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai các dự án khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn và thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; kịp thời phản ánh với cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.  


Hồng Oanh

Các tin khác
Nhiều thanh niên tham gia phiên tư vấn XKLĐ tại các công ty tuyển dụng lao động trên địa bàn.

YBĐT - Thu nhập từ xuất khẩu lao động (XKLĐ), người lao động về nước đa phần xây nhà, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Năm 2016, toàn tỉnh có 960 người đi XKLĐ, năm 2017 là 1.105 người và năm 2018 là 1.031 người.

Nhà máy Vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái đi vào hoạt động là điểm nhấn nổi bật trong phát triển công nghiệp của tỉnh Yên Bái năm 2018.

YBĐT - Mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2018, ngành công thương tỉnh Yên Bái đã đạt kế hoạch đề ra trên cả 3 lĩnh vực. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2017.

YBĐT- Cùng với các tỉnh Bắc Bộ, Yên Bái đang bước vào đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu đông đến nay với nền nhiệt chỉ trên dưới 10 độ C, thậm chí ở vùng cao xuống đến dưới 5 độ. UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống rét, trong đó có việc bảo vệ đàn gia súc ở vùng cao.  

YBĐT - Những năm gần đây, sự hình thành những công trình hiện đại cũng như các khu đô thị mới đã và đang tạo diện mạo mới ngày càng khang trang, hiện đại, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại 2 vào năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục