YBĐT - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp.
|
Sơ chế sản phẩm măng tre Bát độ ở HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên).
|
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Lĩnh vực chăn nuôi có 13 chuỗi, trong đó 3 chuỗi khép kín được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm Công ty TNHH Đầm Mỏ nuôi lợn tại thành phố Yên Bái, Hợp tác xã (HTX) Đại Sơn chăn nuôi lợn tại huyện Lục Yên, Công ty TNHH Nipon Zoki nuôi thỏ tại Văn Chấn. Các chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt có chuỗi rau an toàn, chuỗi sản xuất và chế biến chè, nổi bật phải kể đến chuỗi liên kết trong sản xuất đối với sản phẩm măng tre Bát độ.
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp để giải quyết thị trường đầu ra cho sản phẩm; thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ HTX sản xuất đầu vào để chứng nhận được chất lượng, sản phẩm bảo đảm an toàn, được công nhận chất lượng và có nhãn hiệu, nhãn mác theo tiêu chuẩn quy định. |
Với vai trò hạt nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm măng tre Bát độ, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên) liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất.
Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành cho biết: "Tham gia chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm măng tre Bát độ đã góp phần nâng cao về giá trị sản phẩm, sản lượng thu hoạch cho các thành viên và nông dân. Cụ thể, giá trị sơ chế tại HTX tăng 34%, từ 3.500 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg so với việc bán sản phẩm theo hình thức truyền thống và sản lượng bình quân trên một diện tích canh tác tăng thêm 20% so với trước đây”.
Trong sản xuất và chế biến chè, có kết quả tốt của việc liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn) và Công ty TNHH Hưng Thịnh (Trấn Yên) với HTX Trường Xuân, HTX Tân Hương (Yên Bình) để đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn Unilever và VietGAP. Các HTX đã tổ chức cho các hộ trồng chè tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hái bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng được doanh nghiệp hướng dẫn và đặt hàng, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm HTX sản xuất, sơ chế và tiếp tục chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Những mô hình liên kết đi vào hoạt động đã phát huy được khả năng hợp tác từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào đến khâu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế cho đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, về cơ bản, các chuỗi liên kết này mới dừng lại ở việc liên kết một số khâu trong sản xuất như liên kết các hộ dân với nhau theo tổ hợp tác, HTX mà chưa tạo dựng được các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (gọi là liên kết dọc) theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp Yên Bái vừa qua đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu giúp UBND tỉnh phê duyệt danh mục 32 dự án liên kết theo chuỗi giá trị, tạo cơ sở tổ chức triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020.
Văn Thông
YBĐT - Giống là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế trong sản xuất lúa gạo của các nông hộ. Với việc sản xuất thành công hạt lai F1 giống lúa lai ba dòng LY2099 có nhiều ưu điểm nổi trội, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Yên Bái đã chủ động bảo đảm nguồn giống, đáp ứng nhu cầu thị trường.
YBĐT- "Cà phê doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” là một trong những chương trình và hành động cụ thể đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp của tỉnh trong những năm qua.
YBĐT - Thu nhập từ xuất khẩu lao động (XKLĐ), người lao động về nước đa phần xây nhà, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Năm 2016, toàn tỉnh có 960 người đi XKLĐ, năm 2017 là 1.105 người và năm 2018 là 1.031 người.
YBĐT - Mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2018, ngành công thương tỉnh Yên Bái đã đạt kế hoạch đề ra trên cả 3 lĩnh vực. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2017.