Hiệu quả chính sách “tam nông” ở thành phố Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/1/2019 | 8:23:49 AM

YBĐT - Tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2018, thành phố đã hỗ trợ 126 dự án phát triển chăn nuôi lợn, gà, thỏ Newzealand, nuôi cá bán thâm canh với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. 



Tận dụng diện tích đất vườn rộng và những phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Nguyễn Văn Hiển, thôn Trấn Thanh I, xã Âu Lâu đã chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi lợn để nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, do thiếu vốn mở rộng quy mô, xây dựng chuồng trại và con giống nên anh chỉ duy trì chăn nuôi lợn ở quy mô nhỏ. Năm 2013, được xã và thành phố tạo điều kiện hỗ trợ 30 triệu đồng khi tham gia dự án hỗ trợ chăn nuôi, anh Hiển đã nuôi 5 lợn nái, 31 lợn thịt. 

Nhờ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tìm đầu ra cho sản phẩm, mỗi năm anh Hiển xuất bán hàng chục tấn lợn ra thị trường và trừ chi phí còn thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn và trở thành hộ chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao trong thôn, xã. 

Còn với gia đình chị Vũ Thị Hương Quế, thôn Bình Sơn, xã Văn Tiến, do sẵn có đất rộng, chị đã cải tạo đất để trồng chanh tứ thời. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên việc đầu tư mở rộng diện tích gặp nhiều khó khăn, sản lượng không đủ cung ứng cho khách hàng. 

Đầu năm 2018, được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng tham gia dự án trồng trọt theo Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Nhờ đó, chị Quế mạnh dạn nhân giống, mở rộng diện tích trồng chanh tứ thời lên 2 ha. Do tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là chú trọng phát triển giống chanh trái vụ, liên kết với một số siêu thị tại Hà Nội và thương lái để cung cấp chanh quanh năm nên bước đầu đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của thành phố Yên Bái được hưởng lợi từ Nghị quyết 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ  phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tiêu biểu như triển khai Đề án Sản xuất nấm thực phẩm và nấm dược liệu thành phố Yên Bái 2010 - 2012. 

Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao thành phố Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015; Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020; Đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với XDNTM và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. 

Tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2018, thành phố đã hỗ trợ 126 dự án phát triển chăn nuôi lợn, gà, thỏ Newzealand, nuôi cá bán thâm canh với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. 

Hỗ trợ phát triển 21 dự án trồng trọt, 40 dự án thực hiện các điều kiện an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, thành lập mới hợp tác xã và 45 dự án hỗ trợ các hộ đầu tư máy móc thiết bị cho các hộ sản xuất, kinh doanh chế biến nông sản, thực phẩm với số tiền hàng tỷ đồng… 

Các đề án, dự án hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh, khuyến khích liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động và phát triển của các thành phần kinh tế. 

Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như: vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 10 ha; vùng trồng cây ăn quả là 20 ha; nhiều hộ chăn nuôi duy trì 2.000 đến 5.000 con gà/lứa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thành phố với mức tăng trưởng bình quân 6,3%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt 458,5 tỷ đồng, tăng 15,17 % so với năm 2015...

Có thể khẳng định, chính sách "tam nông” đã làm thay đổi diện mạo khu vục nông thôn, đời sống của nông dân ở các xã trên địa bàn thành phố Yên Bái đã có nhiều thay đổi tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được đảm bảo. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp ở thành phố Yên Bái vẫn chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa, chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ, sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, nông nghiệp xanh, hữu cơ còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn yếu, nhất là hạ tầng đáp ứng sản xuất công nghệ cao, vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu... 

Lê Hương - Thanh Nghị

Các tin khác

YBĐT - Chiều 2/1, tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị báo công hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. 

YBĐT - Chiều 2/1, Bưu điện tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019. Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Để tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá; chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị yêu cầu toàn ngành tài chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1/1/2019, hơn 19.300 xe ô tô không được phép tham gia giao thông do hết hạn sử dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục