Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu” do Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh triển khai từ năm 2015. Dự án đã thực hiện ghép cành gần 11.000 cây gốc ghép và bàn giao số lượng cây đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu phục vụ trồng rừng.
Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng - cán bộ Trung tâm, Chủ nhiệm Dự án thông tin, kết quả của Dự án đã khẳng định chắc chắn việc nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép là thành công tại tỉnh Yên Bái. Thông qua quá trình triển khai nhiệm vụ, cán bộ kỹ thuật của đơn vị, cơ sở đã nắm chắc kinh nghiệm thực tế quá trình nhân giống cây sơn tra ghép, đảm bảo được tỷ lệ nhân giống cũng như chất lượng cây giống sản xuất ra.
Ông Phạm Thành Đô - Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, những cây sơn tra ghép đã ra nhiều hoa và sai quả. Trong khi đó, sơn tra trồng bằng hạt đến năm thứ 5 mới bắt đầu bói quả. Mô hình này được nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào vùng cao Trạm Tấu.
Theo ông Lê Xuân Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KHCN tỉnh, cây sơn tra được ghép là cây đầu dòng với nguồn gen trội có sức sống rất cao, rút ngắn thời gian thu hoạch so với sơn tra trồng bằng hạt. Sau khi dự án thành công, tỉnh Yên Bái sẽ trồng thay thế toàn bộ cây sơn tra ghép tại các diện tích rừng nghèo kiệt, rừng tái sinh và quanh các nương rẫy.
Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu đã đạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo Khoa học, kỹ thuật (KHKT) tỉnh Yên Bái lần thứ VIII, năm 2018.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong 3 năm qua, tỉnh Yên Bái đã đưa vào thực hiện thành công phương pháp truyền tinh nhân tạo trên 9.200 con trâu, bò; tỷ lệ đàn bò lai chiếm trên 45% tổng đàn.
Công tác cải tạo giống lợn đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ đàn lợn lai, lợn ngoại chiếm trên 70% tổng đàn. Đồng thời, tỉnh đã duy trì 18 điểm thụ tinh nhân tạo đàn trâu, bò và 27 điểm thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Yên Bái cho biết: "Việc áp dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, nhất là cải tạo chất lượng đàn giống bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo, cải tiến quy trình kỹ thuật chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng con giống, nâng cao sản lượng nhằm mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi”.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai 212 nhiệm vụ khoa học, trong đó có 125 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp (chiếm 59% tổng số nhiệm vụ) với tổng kinh phí trên 41 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Một số nhiệm vụ khoa học đạt kết quả khả quan và đang được nhân rộng như dự án: "Ứng dụng tiến bộ KHKT nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu”; "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản F1 BBB, theo hình thức chăn nuôi công nghiệp trong nông hộ tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên và Văn Chấn”… Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
Để việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương cần huy động lực lượng cán bộ KHKT tích cực tham gia đề xuất, phát hiện những vấn đề nghiên cứu sáng tạo gắn với thực tiễn. Ưu tiên các chương trình, dự án thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân rộng các kết quả nghiên cứu có hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hà Anh