Những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ những chính sách này cùng với phong trào trồng cây, gây rừng, nhất là "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tổ chức hàng năm mỗi khi tết đến xuân về đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao trồng cây, gây rừng.
Tỉnh Yên Bái có 462.527 ha đất có rừng, trong đó, rừng đặc dụng 35.469 ha; rừng phòng hộ 138.737 ha; rừng sản xuất 244.647 ha; đất có rừng ngoài qui hoạch cho lâm nghiệp là 43.672 ha. Tận dụng tối đa thế mạnh này, tỉnh đã rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án trồng rừng 661, dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg; Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, đến nay tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã và đang là nguồn lực thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, từ phong trào trồng cây, gây rừng, nhất là "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tổ chức hàng năm mỗi khi tết đến xuân về, đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng.
Nhiều địa phương đã lồng ghép phong trào Tết trồng cây với việc trồng rừng và bảo vệ rừng; nhận thức của nhân dân về lợi ích từ rừng được nâng lên đáng kể. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại.
Tính riêng năm 2018 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của bà con nông dân và các thành phần kinh tế toàn tỉnh trồng mới được 15.000 ha rừng các loại, khai thác và tiêu thụ được trên 450.000 m3 gỗ rừng trồng; 90.000 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng, chiếm 21,9% cơ cấu nội ngành.
Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi nâng cao chất lượng và giá trị, tăng thu nhập, đời sống người dân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia dưới sự quản lý giám sát chặt chẽ về chất lượng giống của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Người dân đã tập trung đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất, nhất là phát triển theo hướng kinh doanh gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp. Toàn tỉnh đã có trên 1.700 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Đến nay, Yên Bái đã hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu giấy, gỗ cho công nghiệp chế biến lớn và xuất khẩu như: gỗ ván bóc, vỏ và tinh dầu quế, măng tre Bát độ, quả sơn tra (táo mèo)... trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của vùng và cả nước về trồng rừng sản xuất.
Ở các huyện vùng thấp xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình: ông Nguyễn Hữu Khánh (Văn Chấn) Nguyễn Văn Minh, Hoàng Đình Lâm (Trấn Yên), Nguyễn Thế Bình, Triệu Tiến Lợi, Nguyễn Văn Hiền (Yên Bình), Bàn Văn Minh, Triệu Tài Thăng (Văn Yên)...
Ở các xã vùng cao, trước đây, người dân chỉ quen với tập quán phát rừng làm nương rẫy thì nay cũng tích cực tham gia trồng rừng phát triển kinh tế. Bên cạnh phát triển vốn rừng, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng và phòng chống cháy rừng, hạn chế đến mức thấp nhất nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 174 vụ vi phạm, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị cháy đã giảm đáng kể. Những kết quả trên góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% là con số rất cao so với mức bình quân cả nước chỉ đạt 41,65%.
Để phát huy thế mạnh kinh tế lâm nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục giao đất giao rừng cho người dân đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của rừng và giảm gánh nặng cho ngân sách; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển rừng; tận dụng tối đa diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp để hình thành các khu rừng trồng nguyên liệu tập trung.
Nâng cao năng suất rừng trồng thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong khâu chọn giống và kỹ thuật thâm canh rừng, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Ngoài ra để nâng cao giá trị cho sản phẩm gỗ rừng trồng tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Văn Thông