Dịch tả lợn châu Phi sau khi bùng phát ở 20 quốc gia đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc đã phát hiện có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh và đã có trên 950 ngàn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Ngày 20/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức thông báo, Việt Nam đã xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 2 hộ chăn nuôi thuộc xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên và 6 hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 21/2/2019, trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa xuất hiện và phát hiện thấy ổ dịch tả lợn châu Phi nào. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên đàn lợn và xảy ra với mọi lứa tuổi và mọi giống lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Virus gây ra dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Hiện nay, vẫn chưa có vắc - xin và thuốc đặc trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Tăng cường kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học.
Mặc dù Yên Bái chưa có dịch tả lợn châu Phi; song để bảo vệ an toàn cho trên 863 ngàn con gia súc, trong đó, đàn lợn trên 549 ngàn con là một nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.
Trước tiên, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo quy định của pháp luật.
Tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật; tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của dịch tả lợn châu Phi hoặc nghi là lợn nhập lậu trái phép cần lấy mẫu gửi xét nghiệm đến ngành thú y để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch từ tỉnh tới cơ sở. Đồng thời, giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn, vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các chợ, nơi buôn bán. Thành lập các chốt, trạm kiểm tra nghiêm ngặt trên các tuyến đường vào địa phận tỉnh; tuyệt đối không để vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.
Ngành thú y, các hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh xây dựng cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Cùng với phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực, quyết liệt chống dịch lở mồm long móng ở 118 thôn của 28 xã thuộc huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái.
Trước thực trạng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh và ngành nông nghiệp, các địa phương cần tích cực tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi; các biện pháp xử lý để ngăn chặn dịch bệnh, chăn nuôi hiệu quả.
Thanh Phúc