Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đó là Nghị quyết số 10, 11- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Thành ủy Yên Bái đã chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết để cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các ngành, đơn vị, xã, phường thực hiện.
Thành phố đã ban hành 17 quyết định, kế hoạch, các văn bản có liên quan để thể chế hóa các nghị quyết, trọng tâm là ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đảm bảo tính phù hợp, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách, pháp luật.
Xác định phát triển các thành phần kinh tế là một trong những ưu tiên trong chỉ đạo phát triển kinh tế thành phố, thời gian qua, thành phố khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác, các hộ kinh doanh hoạt động đa dạng trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, vận tải, kinh doanh thương mại, dịch vụ, tín dụng...; đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.
Trên địa bàn thành phố hiện có 705 đơn vị, doanh nghiệp; trong đó: 26 doanh nghiệp quốc doanh; 513 công ty cổ phần, công ty TNHH; 25 văn phòng đại diện; 48 chi nhánh, 93 doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã...
Một số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp đã liên kết được với một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất giá trị từ khâu cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho đến tiêu thụ, cung cấp sản phẩm cho thị trường như: Hợp tác xã Công nghệ cao Tiến Minh; HTX Sản xuất rau an toàn Tuy Lộc...
Đối với kinh tế hộ cá thể, thành phố hiện có trên 4.570 hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là khu vực kinh tế năng động, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần quan trọng trong phát triển thương mại - dịch vụ của thành phố.
Thành phố luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, tập trung tạo lập môi trường, điều kiện cho tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên thị trường. Cùng với hệ thống chợ truyền thống, hệ thống cửa hàng tự chọn, trung tâm thương mại... ngày càng tăng nhanh về số lượng, mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh diễn ra khá sôi động, đáp ứng nhu cầu mua sắm và nâng cao đời sống nhân dân.
Ngoài Siêu thị Điện máy xanh, Trần Anh và Siêu thị Anh Mỹ đã hoạt động từ trước năm 2017, việc Trung tâm Thương mại Vincom Plaza của Tập đoàn Vingroup cùng một loạt các siêu thị, trung tâm mua sắm như Media Mart, Canifa, Trung tâm Mua sắm Dũng Linh... được đưa vào hoạt động đã tạo nên những điểm nhấn trong phát triển thương mại của thành phố.
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Bí thư Thành ủy cho biết thêm: "nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung xây dựng, triển khai việc thành lập, kiện toàn Bộ phận Phục vụ Hành chính công thành phố Yên Bái dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2019".
"Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thông qua Đề án "Sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; triển khai hỗ trợ các dự án khuyến công; thực hiện xúc tiến thương mại là cơ hội lớn để doanh nghiệp và hộ kinh doanh tìm kiếm, kết nối các quan hệ kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân". Ông Phúc nói.
Đức Toàn