Đến thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Biết, người dân cũng khen hết lời bởi ông là người chăn nuôi giỏi, có kinh tế khá trong thôn, trong xã.
Trước đây, cũng giống bao hộ nông dân khác chăn nuôi nhỏ lẻ, không bài bản nên đàn lợn, gà của gia đình ông thường xuyên mắc bệnh, giá trị và hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2015, ông Biết mạnh dạn đăng ký chính sách hỗ trợ chăn nuôi thực hiện mô hình nuôi lợn quy mô 100 con/lứa và gần 10 con lợn nái. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi cùng với chủ động phòng, chống bệnh nên đàn lợn của gia đình ông khỏe mạnh, bình quân mỗi năm ông xuất bán gần 10 tấn lợn thịt cho thu lãi cả trăm triệu đồng.
Ông cho biết: "Mình chủ động được con giống nên không lo việc nhập con giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Tự chủ được con giống cũng sẽ giúp việc chăn nuôi thuận lợi hơn, quay vòng liên tục trong chăn nuôi, từ đó tạo hiệu quả kinh tế cao hơn".
Cũng là một trong những hộ đi đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, gia đình bà Hoàng Thị Liên ở thôn 1, xã Đại Sơn có hơn 1 mẫu ao nuôi cá trắm và cá bỗng, mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, bà còn trồng 25 ha quế, nếu chỉ tính khai thác tỉa cũng thu về từ 300 đến 400 triệu đồng/năm, có những năm quế đến kỳ khai thác trắng, gia đình bà còn thu về trung bình 1 tỷ đồng/ha. Có thu nhập ổn định, gia đình bà Liên xây được nhà mới khang trang, sạch đẹp với nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại phục vụ cho cuộc sống.
Cùng với gia đình ông Biết, bà Liên, trong năm 2018, toàn huyện Văn Yên có trên 13.000 hộ nông dân đăng ký và thực hiện chỉ tiêu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Để giúp hội viên có kiến thức trong sản xuất kinh doanh, Hội Nông dân Văn Yên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho trên 6.000 lượt hội viên về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, vệ sinh, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; kiến thức về tiếp cận thị trường, bảo quản và chế biến nông sản...
Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hàng nghìn lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Hội còn xây dựng 2 dự án phát triển trồng quế và trồng cây ăn quả cho 18 hộ dân tại xã Đại Phác và Châu Quế Hạ bằng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh với số tiền 600 triệu đồng…
Những năm qua, các cấp Hội đã nghiêm túc triển khai, duy trì và hoạt động hiệu quả các tổ hợp tác nghề nghiệp như: Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Yên Phú với 25 hội viên; Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ Quyết Tiến, chăn nuôi lợn xã Đông An với 40 hội viên; Câu lạc bộ chăn nuôi bò thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông với 11 hội viên; Tổ hợp tác trồng lạc tại xã Yên Hợp với 175 hội viên tham gia; ra mắt 4 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm ở các xã: Hoàng Thắng, Xuân Ái và Đại Phác.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại huyện Văn Yên đã khuyến khích, động viên nông dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân trong huyện ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
H.D