Những ngày đầu xuân, đồng bào Mông ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ tất bật xuống đồng cấy lúa xuân. Ông Mùa A Chu là người vui nhất, vì vừa rồi ông được xã khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong làm kinh tế. Ông Chu trước đây là hộ nghèo và một năm thiếu đói đến vài tháng. "Thấy người ta đi vay ngân hàng về làm kinh tế thì mình cứ sợ vay tiền về nhỡ không làm ra được cái gì thì lấy tiền đâu ra trả nợ, nên mình cứ lừng khừng mãi” - ông Chu bày tỏ.
Thế rồi, có lần lên xã gặp cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về giải ngân, thấy thủ tục không mấy khó khăn lại được giới thiệu mô hình chăn nuôi gia súc có hiệu quả, ông Chu đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình.
Ông Chu cho biết: cuối năm 2012, với số tiền vay 15 triệu đồng là to lắm. Ông Chu mua được con trâu giống và mấy con lợn giống. Sau 2 năm, ông trả được hết gốc vay ngân hàng và vay tiếp 50 triệu đồng nữa. Đến nay, ông đã có 7 con trâu và đàn dê, cùng lợn gần 4 chục con. Nhẩm tính giá trị đàn gia súc này cũng có hơn 200 triệu đồng.
Hỏi về "bí quyết" làm ăn, ông Chu cười: "Mạnh dạn đầu tư, siêng năng lao động và nhất là phải chịu khó học hỏi cách phòng bệnh cho vật nuôi từ cán bộ khuyến nông, các mô hình chăn nuôi khác trong xã để mình có kiến thức chăn nuôi”.
Nói rồi, ông khoát tay chỉ lên vạt rừng phía trước và bảo: "Chỗ ấy, nhà tôi trồng cỏ voi để có nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc trong mùa đông. Cây cỏ voi rất phù hợp với đất núi ở đây, nên trồng đủ cho chúng ăn thì mình cũng thực hiện tốt việc không thả rông gia súc bừa bãi”.
Ông Sùng A Cớ ở thôn Tà Lù Đằng, xã Xà Hồ còn vui hơn nhiều so với ông Chu. Mấy năm trước, gia đình ông Cớ rất khó khăn vì có 5 đứa con đi học. Ông Cớ bảo: trẻ con đi học tuy đã có Nhà nước nuôi rồi, nhưng do gia đình không có người lao động, lại không có vốn đầu tư cho chăn nuôi nên đói nghèo đeo đẳng.
Đã thế, năm 2013, đứa con lớn đỗ đại học, ông Cớ vừa mừng, vừa lo, không biết lấy tiền đâu cho nó đi học. Mang nỗi lo này chia sẻ với trưởng bản, ông được trưởng bản giới thiệu đến Ngân hàng Chính sách xã hội để được hướng dẫn vay vốn sản xuất và vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Vạn sự khởi đầu nan, ông Cớ dùng 10 triệu đồng vốn vay để mua trâu giống.
Sau 3 năm, ông trả được hết nợ gốc và vay tiếp 15 triệu đồng mua bò giống và nuôi thêm lợn. Hiện nay, con ông đã tốt nghiệp đại học và trong nhà đã có 6 con trâu, bò, 30 con dê giống. Niềm vui nhân đôi khi 2 đứa con của ông tiếp tục học lên đại học.
Được biết, năm 2018, tổng dư nợ của xã Xà Hồ là 15,3 tỷ đồng. Dưới sự giám sát chặt chẽ của ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND xã, người dân đã sử dụng vốn vay đúng mục đích. Những hộ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế của xã như ông Chu, ông Cớ đã sử dụng là phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Ông Chớ A Páo - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tạo động lực cho người dân trong xã xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, điểm giao dịch đặt tại UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho người dân đến giao dịch vay vốn.
Hiện nay, huyện Trạm Tấu còn 52,66% hộ nghèo. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chính sách ưu đãi đặc thù, trong đó, có vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ khó khăn của xã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, toàn huyện có 3.099 hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ trên 151 tỷ đồng.
Ông Phạm Thành Long - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trạm Tấu cho biết: để đồng vốn phát huy có hiệu quả, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã trong việc giám sát sử dụng nguồn vốn. Cùng đó, phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu mô hình kinh tế điển hình để bà con học tập và làm theo.
Những kết quả đã đạt được trong công tác tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trạm Tấu đã tạo động lực cho đồng bào vùng cao vươn lên thoát nghèo, củng cố thêm niềm tin của người dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Anh Dũng