Nằm trong vùng quy hoạch nguồn nguyên liệu quế của huyện, Viễn Sơn có tổng diện tích quế trên 2.500 ha nằm rải rác ở 11 thôn với độ che phủ đạt gần 80% chủ yếu là quế. Trải qua nhiều thăng trầm, những năm 2000 trở lại đây, thị trường quế từng bước được mở rộng, phát triển thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, các sản phẩm quế ngày càng giúp nhân dân địa phương có cơ hội vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu chính đáng. Trong đó, cùng với 8 xã thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu quế và 4 xã trọng điểm bảo tồn nguồn gen quý của quế có chất lượng của huyện, cây quế ở Viễn Sơn đã khẳng định được vị thế về diện tích và trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương.
Trên cơ sở đó, Viễn Sơn đã chú trọng tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân phát triển, duy trì vùng nguyên liệu đảm bảo ổn định về diện tích, sản lượng, chất lượng.
Đi đôi với trồng, bảo vệ và khai thác hợp lý, để tận dụng triệt để lợi thế kinh tế cây quế, Viễn Sơn đã chú trọng đầu tư khâu sản xuất gắn với chế biến các sản phẩm quế. Đến nay, xã có 1 nhà máy chưng cất tinh dầu quế; có gần 20 hộ thu mua, chế biến sản phẩm từ quế vỏ và 6 cơ sở khác thu mua, sơ chế quế và hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn trao đổi: là xã thuần nông nên trồng lúa nước vẫn là công việc mà nhân dân chú trọng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, lúa nước chỉ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực tại chỗ, còn cây quế mới thực sự là cây trồng mũi nhọn mang lại giá trị kinh tế cao giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhân dân.
Vì vậy, ngoài sự chỉ đạo, khuyến khích phát triển cây quế của Đảng ủy, chính quyền địa phương thì nhân dân đã chủ động mở rộng diện tích kết hợp bảo tồn giống quế của địa phương và phát triển quế theo hướng sản xuất quế sạch.
Nhờ phát triển cây quế, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm mạnh ở mức bình quân từ 8 đến 10%/năm; hộ thoát nghèo, khá, giàu cũng tăng lên đáng kể.
Ông Triệu Tiến Bảo ở thôn Khe Lợ phấn khởi cho hay: "Gia đình tôi có gần 30 ha đất đồi và trước đây ngoài trồng quế, gia đình còn trồng cây ngô, sắn. Mấy năm gần đây, con cái xây dựng gia đình ở riêng, tôi chia cho mỗi đứa vài héc - ta để trồng quế. Hiện tại, tôi còn hơn 10 ha cũng đều trồng quế với độ tuổi từ 2 đến trên 20 năm tuổi. Ngoài trồng và chăm sóc quế của gia đình, hàng năm, khi đến mùa vụ tôi còn thu mua vỏ, cành lá, gỗ quế của bà con trong thôn, xã. Nhờ giá trị kinh tế của cây quế, gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 300 triệu đồng trở lên/năm”.
Ở Viễn Sơn trước đây, có một số hộ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và từng muốn di cư đi nơi khác để sinh sống. Song, với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự chia sẻ về kinh nghiệm, cây quế giống của bà con hàng xóm, các hộ này đã phát triển cây quế và dần ổn định đời sống, làm được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt, điển hình như hộ ông Nguyễn Kim Hín, Nguyễn Kim Phúc ở thôn Khe Lợ...
Bên cạnh việc khuyến khích người dân trồng quế, địa phương đã quy hoạch một số diện tích có những cây quế to, sức chống chịu sâu bệnh tốt và có hàm lượng tinh dầu cao ở một số thôn như: Khe Dứa, Khe Lợ... để bảo tồn giống quế của địa phương.
Từ phát huy thế mạnh cây quế, đã góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu ở địa phương. Năm 2018, xã Viễn Sơn đã giảm được 86 hộ nghèo và hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 35%. Đồng thời, hộ thoát nghèo, khá, giàu cũng tăng lên đáng kể, nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã đạt 29 triệu đồng, tăng 4 triệu so với năm 2017.
A Mua