Cây ăn quả “bén duyên” trên đất Sơn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/3/2019 | 2:03:16 PM

YênBái - Trước đây, diện tích cây ăn quả có múi của huyện Văn Chấn chỉ tập trung ở các xã vùng ngoài nhưng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, vùng cây ăn quả có múi đã phát triển ở các xã vùng trong của huyện. Đặc biệt, ở xã Sơn Thịnh, người dân đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai mở rộng diện tích cây ăn quả có múi.

Là hộ đầu tiên của thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh trồng cây ăn quả có múi, năm 2006, ông Hà Khắc Lâm đã phá bỏ diện tích hoa màu để trồng thử nghiệm 60 gốc bưởi Diễn và bưởi Hoàng. 

Nhờ chăm sóc tốt và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên vườn bưởi của ông Lâm  phát triển rất nhanh. Sau 5 – 6 năm trồng, chăm sóc mỗi gốc bưởi cho thu hoạch trung bình từ 100 – 150 quả, thu về trên 1,5 triệu đồng/gốc. 

Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cây ăn quả có múi, năm 2013 ông Lâm tiếp tục đầu tư trồng thêm 80 gốc cam chanh Vinh lòng vàng và 20 gốc bưởi da xanh. Vụ thu hoạch vừa qua, ông thu trên 10 tấn cam và trên 1 vạn quả bưởi các loại. Với giá bán cam bình quân 15.000 đồng/kg và bưởi 15.000/ quả đã mang lại cho gia đình ông Lâm nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng. 

Có điều kiện phát triển cây ăn quả, trước đây, người dân thôn Hồng Sơn đã phát triển các diện tích cam xã Đoài. Tuy nhiên, do việc thâm canh, chăm sóc còn hạn chế nên nhiều diện tích cho hiệu quả thấp. 

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Sơn Thịnh đã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu giống cây ăn quả có múi và phát triển thâm canh chăm sóc. 3 năm trở lại đây, nhân dân đã phát triển mới được 30 ha, nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Chỉ tính riêng thôn Hồng Sơn hiện có gần 60 hộ trồng cây ăn quả có múi và các hộ này đều có thu nhập ổn định mỗi năm trên 200 triệu đồng. 

Với tổng diện tích cây ăn quả có múi trên 30 ha, năm 2018 nhân dân Sơn Thịnh  thu hoạch gần 700 tấn quả, tăng gần 300 tấn so với năm ngoái. Chất lượng cam, bưởi ở Sơn Thịnh được thị trường đánh giá rất tốt bởi ngoài mẫu mã đẹp mắt thì quả mọng nước, vị ngọt thanh lại tươi lâu và thời vụ thu hoạch tương đối dài, từ đầu tháng 11 âm lịch đến tết Nguyên đán. 

Để nâng cao chất lượng và sản lượng cây ăn quả có múi xã đã thành lập Tổ hợp tác cam, bưởi sạch Hồng Sơn. Ngoài việc giúp đỡ các hộ dân áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch nông sản sạch của người trồng cam, Tổ hợp tác còn phối hợp với các đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật xúc tiến tìm kiếm thị trường.

Ông Lê Gia Thuần – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh khẳng định: "Chuyển đổi và phát triển cây ăn quả có múi đã tạo nên một bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế của người dân xã Sơn Thịnh. Với điều kiện thuận lợi về đất đai và kinh nghiệm tích lũy những năm qua, bà con Sơn Thịnh đang tập trung trồng mới thêm các diện tích cam, bưởi các loại. Đây là một trong những hướng đi quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Thanh Hà - Quang Sơn

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình hướng dẫn nông dân thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng kỹ thuật trồng rừng.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình ông Nguyễn Kim Xuyến ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng tập trung lên đồi trồng cây. Với gần 10 lao động, 2,3 ha đất đồi được trồng xong chỉ sau 2 ngày.

Ảnh minh họa.

Kể từ ngày 10/4/2019, xe ôtô bán tải và xe van sẽ phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% so với mức lệ phí ban đầu của ôtô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.

Gỗ ván bóc là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Yên Bái.

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu (XK), nhất là những sản phẩm hàng hóa chủ lực có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Năm 2019, tỉnh phấn đấu tổng kim ngạch XK đạt trên 170 triệu USD.

Cánh đồng lúa xã Liễu Đô đã bắt đầu bén rễ phát triển mạnh.

Đến đầu tháng 1/2019, nông dân  trong huyện đã xong khâu làm đất và bắt đầu cấy từ 25/1. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục