Thực hiện khâu đột phá "Tập trung tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, huyện Yên Bình đã thực hiện rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa vùng cây ăn quả có múi, quế, chè, tre măng Bát độ, phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà, chăn nuôi đại gia súc...
Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Theo đó, huyện quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả có múi 1.100 ha, tập trung tại các xã: Đại Minh, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Cảm Nhân, Tích Cốc.
Vùng quế của huyện rộng 1.200 ha tại Đại Đồng, Tân Hương, Cảm Ân, Bảo Ái, Tân Nguyên; phát triển rừng gỗ lớn với quy mô 3.000 ha tập trung tại Xuân Long, Phú Thịnh, Văn Lãng, Đại Đồng, Tân Hương, Bảo Ái. vùng gạo đặc sản xã Bạch Hà; vùng trồng tre măng Bát độ tại các xã thượng huyện.
Cùng đó, huyện quy hoạch diện tích mặt nước hồ Thác Bà phát triển nuôi trồng thủy sản với quy mô 2.000 - 4.000 lồng cá và 400 ha nuôi cá quây lưới.
Đến nay, toàn huyện đã triển khai trồng mới 606 ha cây ăn quả có múi, bằng 55% kế hoạch Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, có 150,5 ha bưởi Đại Minh, đưa tổng diện tiện tích bưởi Đại Minh hiện có lên 558,5 ha, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 1.595 ha và xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Đại Minh”; trồng mới 511,86 ha quế; xây dựng 93 cơ sở chăn nuôi trâu bò, bằng 84,5%; 30 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm hàng hóa; đóng mới 623 lồng cá...
Cùng với đó, huyện chỉ đạo thực hiện 9 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp. Quy hoạch vùng lúa thâm canh cao sản quy mô 500 ha tại 13 xã trọng điểm về cây lúa, phát triển vùng gạo đặc sản tại xã Bạch Hà gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Duy trì diện tích ngô vụ đông, mở rộng diện tích ngô trên đất đồi thấp, bảo đảm hàng năm trồng trên 1.550 ha ngô. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 27.600 tấn/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện 100 tấn/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 9,9%/năm, ước năm 2018 đạt 2.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, với thế mạnh trên 42.700 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 8.634,5 ha rừng tự nhiên; trên 30.639 ha rừng trồng, mỗi năm huyện vận động nhân dân trồng mới trên 2.600 ha. Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã trồng mới hơn 8.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2018 đạt 54,7%.
Huyện đã triển khai các biện pháp quản lý, phát triển rừng bền vững, quy hoạch, xây dựng 3.000 ha phát triển rừng gỗ lớn theo Dự án Kfw8 và cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững FSC cho 5.000 ha.
Đối với chăn nuôi, huyện chú trọng khuyến khích phát triển chăn nuôi hàng hóa, đến nay, trên địa bàn huyện có 339 mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm, ba ba đang hoạt động; 103 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con.
Với việc tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các mô hình chăn nuôi từng bước đem lại thu nhập cao cho người dân. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại hàng năm đạt trên 6.000 tấn; năm 2018 đạt gần 8.000 tấn, tăng 12% so mục tiêu nghị quyết.
Huyện đặc biệt quan tâm khuyến khích nhân dân phát triển thủy sản diện tích 15.000 ha mặt nước hồ Thác Bà và hơn 500 ha mặt nước ao, hồ nhỏ. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện đóng mới 1.323 lồng nuôi cá; trong đó, Nhà nước hỗ trợ đóng mới 623 lồng và trên 230 ha quây lưới nuôi cá trên eo, ngách hồ Thác Bà. Sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm đạt từ 4.500 tấn trở lên, dự ước năm 2018 đạt 6.400 tấn, tăng 16,4% mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Hiện nay, huyện tích cực tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà” và dự án phát triển thủy sản trên hồ Thác Bà theo chuỗi liên kết giá trị, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm ổn định nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các đề án, dự án về phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển mạnh vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, hướng vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ở các địa bàn có ưu thế tự nhiên; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn.
Tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm thương hiệu địa phương; mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng 0,5%, đạt trên 27.600 tấn; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 10 xã, vượt 7 xã so với mục tiêu Nghị quyết, trong đó xây dựng Đại Minh trở thành xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Minh Thúy