Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông cho biết: năm 2019, toàn xã trồng mới 20 ha tre Bát độ, tập trung chủ yếu ở thôn Gốc Quân, thôn Khe Trám với 7 hộ tham gia và đến nay toàn xã trồng được 1,5 ha.
Còn tại xã An Bình - một trong những địa phương có diện tích trồng khá lớn với 40 ha trong năm 2019, nhờ sự chủ động, tích cực của chính quyền, người dân nên ngay khi nhận được củ giống đã triển khai trồng ngay. Đến ngày 26/2, toàn xã đã trồng được 19,5 ha.
Theo ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tre măng Bát độ có ưu thế vượt trội, không chỉ trồng trên đồi mà còn có thể tận dụng các loại đất xung quanh nhà, ven sông suối. Sau 3 năm cho thu hoạch sản phẩm ổn định; bình quân lợi nhuận đạt khoảng 40 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 2 đến 3 lần so với cây trồng lâm nghiệp khác.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc; người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sang giống cây trồng này.
Mặc dù công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp huyện đã được triển khai quyết liệt nhưng ở cấp xã, thôn, bản vẫn chưa vào cuộc tích cực, chỉ đạo điều hành chủ yếu qua văn bản, chưa tuyên truyền sâu rộng và cụ thể được tới người dân; chưa huy động được các ngành, đoàn thể vào cuộc giúp đỡ thôn, bản trong việc thực hiện Đề án.
Cùng đó, các xã đều gặp khó khăn về quỹ đất để thực hiện với quy mô tập trung tối thiểu từ 0,5 ha trở lên nên phần lớn các hộ đều chưa đáp ứng được, chỉ muốn tận dụng đất ven bờ ao, khe suối, chân đồi... hoặc trồng xen dưới tán rừng.
Đặc biệt, người dân chưa thay đổi được tư duy canh tác, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chưa chủ động trồng thay thế măng tre Bát độ vào những diện tích cây lâm nghiệp khác như: keo, bồ đề…
Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2019, huyện yêu cầu các xã rà soát, đăng ký diện tích, nhất là diện tích đăng ký trồng vụ xuân. Sau đó, huyện thành lập tổ công tác kiểm tra diện tích đất trồng măng tre Bát độ của các xã nằm trong kế hoạch. Cùng đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc với các đơn vị cung ứng giống.
Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết thêm: theo kế hoạch, năm 2019, Văn Yên trồng 500 ha măng Bát độ; tuy nhiên, qua đăng ký và rà soát diện tích cũng như củ giống, huyện điều chỉnh trồng 250 ha, trong đó, vụ xuân 200 ha, vụ thu 50 ha. Đến hết tháng 2, các xã đã trồng được trên 40 ha.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của cây tre măng Bát độ đến mọi người dân; chỉ đạo cán bộ phụ trách địa phương, cơ sở phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị, trong quá trình triển khai thực hiện trồng tre măng Bát độ; các cơ quan chuyên môn cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát quỹ đất của các hộ, cộng đồng để triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án; tổ chức mời gọi các đơn vị bao tiêu sản phẩm lên hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng ghi nhớ với các hộ dân tham gia trồng tre măng Bát độ; thành lập các tổ hợp tác để thu mua sản phẩm măng tre Bát độ cho các hộ dân; tiếp tục xin ý kiến của tỉnh để ký kết hợp đồng mua giống cành ở ngoài tỉnh để phục vụ cho kế hoạch trồng vụ thu 2019.
Hùng Cường