Trong khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang được đánh giá gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường thì phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối là chìa khóa cho nguồn năng lượng xanh trong tương lai.
Với tiềm năng lớn trong việc phát triển điện mặt trời và điện gió, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư. Nhưng, trên thực tế số dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động vẫn chưa tương xứng.
Để có thêm cái nhìn tổng thể về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Christopher Abrams, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển xã hội, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
- Việt Nam có nhiều tiềm năng cho phát triển năng lượng sạch khi vừa có bờ biển dài cũng như có nhiều ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên khả năng khai thác những tiềm năng này còn hạn chế, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Christopher Abrams: Tôi cho rằng Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đang nhận ra rằng năng lượng sạch và cụ thể là năng lượng tái tạo là tương lai của ngành năng lượng.
Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6-7%/năm thì mức độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng sẽ khoảng từ 10-11%/năm từ nay đến năm 2030.
Do vậy, Việt Nam cần phải có các nguồn năng lượng bổ sung và thách thức đặt ra là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu năng lượng đó với một tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Về tiềm năng, trước hết công suất của ngành điện tại Việt Nam là khoảng 40 GW. Cách đây 3 năm, Việt Nam có chưa đầy 10 MW điện mặt trời và khoảng 150 MW điện gió.
Đến tháng 6 năm nay, dự kiến Việt Nam sẽ có khoảng 2.000 MW công suất nguồn từ năng lượng mặt trời. Vì vậy, mặc dù điện mặt trời chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn ngành điện, nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất nhanh, đến hơn 2.000% trong 3 năm qua.
Hiện nay, thách thức của Việt Nam là làm cách nào để hấp thụ được nguồn năng lượng tái tạo bổ sung này vào hệ thống năng lượng hiện có.
Cụ thể là hệ thống lưới điện truyền tải làm thế nào để quản lý được các nguồn điện không liên tục. Chẳng hạn như điện mặt trời chỉ sản xuất vào thời gian ban ngày hay điện gió chỉ sản xuất được khi có gió thổi và làm thế nào để phối hợp các nguồn điện đó với các hệ thống lưu trữ năng lượng.
Hoặc sử dụng các nguồn điện có thể huy động linh hoạt từ khí thiên nhiên để làm nguồn điện chạy nền từ năng lượng tái tạo và làm thế nào để có thể truyền tải nguồn điện đó từ nơi sản xuất nhiều năng lượng mặt trời đến nơi sử dụng. Đó chính là một thách thức của Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm tới.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân lớn nhất cản trở việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
Ông Christopher Abrams: Tôi cho rằng, một nguyên nhân quan trọng của Việt Nam đó là đấu nối lưới điện. Làm thế nào để Việt Nam có thể quản lý các nguồn điện thay đổi liên tục, quản lý hệ thống truyền tải thế nào để đưa điện tới nơi có nhu cầu.
Đây chính là lĩnh vực mà Việt Nam đang tìm cách huy động nguồn vốn tư nhân, sử dụng nguồn vốn này để xây dựng một hệ thống lưới điện thông minh đẳng cấp thế giới có khả năng quản lý các nguồn điện không liên tục và đưa điện tới nơi có nhu cầu.
Về hành lang pháp lý của Việt Nam cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện đang phát triển tương đối tốt. Quy hoạch phát triển điện 8 sẽ được công bố trong thời gian tới; trong đó, sẽ có các giải pháp để đưa vào sử dụng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo bên cạnh nguồn năng lượng từ thủy điện và khí thiên nhiên.
Quy hoạch này cũng đề cập đến việc tham gia thị trường năng lượng bán buôn, đấu giá, huy động vốn từ khu vực tư nhân, quan hệ công tư trong lĩnh vực xây dựng mạng lưới truyền tải.
Tất cả các quy định này đều tốt, nhưng thách thức là Việt Nam phải tìm cách vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa thu hút được vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.
- Điện mặt trời áp mái được xem là giải pháp hiệu quả để triển khai, giải quyết được vướng mắc trong vấn đề đấu nối và diện tích xây dựng. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ông Christopher Abrams: Theo tôi, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái rất có tiềm năng tại Việt Nam, nhưng điều đó mới chỉ bắt đầu. Nếu bạn nhìn qua cửa sổ thì có thể thấy, các hệ nước nóng mặt trời có trên hầu hết các nóc nhà.
Trong tương lai, bạn cũng có thể nhìn thấy các tấm pin mặt trời trên mọi mái nhà, không phải ngay bây giờ, nhưng sẽ sớm có. Tương lai của điện mặt trời áp mái nhà cũng được gọi là tương lai của hệ thống điện phân tán.
Đó là hệ thống "vì người tiêu dùng”, có nghĩa là người tiêu dùng cũng là người sản xuất điện.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là sự tương tác giữa hệ thống điện mặt trời áp mái với lưới điện, giá mua điện và thuế sẽ tính toán thế nào.
Về cơ bản, đó là cơ hội tuyệt vời để mỗi cá nhân có thể quản lý tiêu thụ điện năng; đồng thời có thể sản xuất điện để cung cấp cho người tiêu dùng. Điện năng phân tán, điện mặt trời áp mái và kể cả xe điện cũng thuộc danh mục này.
Tôi biết rằng, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tính đến việc này; trong đó, có việc đưa lĩnh vực nào vào quy hoạch quốc gia và kết nối như thế nào với lưới điện. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ họ trong lĩnh vực này.
- Với vai trò của mình, USAID có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo, thưa ông?
Ông Christopher Abrams: Với vai trò là tổ chức quốc tế đưa vào các kỹ thuật quốc tế, chúng tôi sẽ giúp Việt Nam tận dụng kiến thức trong nước và bổ sung kiến thức đó bằng các kinh nghiệm quốc tế.
USAID sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để đưa vào những kinh nghiệm quốc tế và kiến thức kỹ thuật tốt nhất để hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch phát triển điện 8.
Trong quy hoạch này, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi các bước thực hiện để đảm bảo có nguồn điện đa dạng và hiệu quả trước năm 2030.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam không khó khăn khi thu hút đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo vì Việt Nam được trời phú cho các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào.
Thách thức chủ yếu là làm thế nào để có nguồn vốn đầu tư cho cuộc "cách mạng" năng lượng tái tạo , trong khi vẫn phải đảm bảo tính toàn vẹn và ổn định của hệ thống và duy trì an ninh năng lượng.
Do vậy, theo tôi Việt Nam cần cập trung huy động các nguồn lực trong nước để phát triển năng lượng tái tạo, kết hợp với nhập khẩu một số khí thiên nhiên và nguồn khí thiên nhiên trong nước để bổ sung nguồn năng lượng cho tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam có năng lượng hóa thạch rất lớn giúp cho sự phát triển và tăng trưởng trong 20-30 năm qua.
Điều cần thiết là xây dựng một hệ thống năng lượng tái tạo mạnh được bổ sung bởi năng lượng hóa thạch để đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai. USAID cùng với các nhà tài trợ khác cũng như khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế sẽ hỗ trợ để Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình.
(Theo TTXVN)