Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện:

Điều chỉnh giá điện và những tác động

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/3/2019 | 1:52:35 PM

YênBái - Từ tháng 3/2019, Công ty Điện lực Yên Bái (ĐLYB) phối hợp với Báo Yên Bái thực hiện chuyên trang Điện lực trên báo Yên Bái. Hoạt động này nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời, cung cấp những thông tin cần thiết trong hoạt động của Công ty ĐLYB đến mọi khách hàng. Bài đầu tiên của chuyên trang sẽ đề cập đến việc điều chỉnh giá điện và những tác động.

Cán bộ Công ty Điện lực Yên Bái tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đến người dân.
Cán bộ Công ty Điện lực Yên Bái tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, hiệu quả đến người dân.

Giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng 8,36% (từ 1.720,65 đồng/kWh lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là quy định tại Quyết định 648 ngày 20/3 của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Việc tăng giá điện lần này, sẽ có những tác động tới người dân cũng như doanh nghiệp. 

Theo cách tính giá điện mới, khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm tối đa khoảng 7.000 đồng/tháng. Với bậc 2 dùng từ 51-100 kWh, người dùng sẽ phải trả thêm nhiều nhất 14.000 đồng mỗi tháng. Khách hàng sẽ phải trả thêm cao nhất 31.600 đồng nếu dùng từ 101-200kWh/tháng. Đối với khách hàng dùng khoảng 400 kWh sẽ phải trả thêm 77.200 đồng/tháng. Tuy nhiên, đối với những hộ sử dụng điện nhiều thì số tiền phải chi trả hàng tháng sẽ tăng không hề nhỏ.

Có lẽ, điện là mặt hàng duy nhất mà người tiêu dùng sử dụng càng nhiều thì càng phải mua giá cao. Do đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân không chỉ khiến người dân lo lắng mà còn tác động đến các nhóm khách hàng kinh doanh, khách hàng sản xuất, bởi mức tăng chi phí tiền điện của các doanh nghiệp sản xuất sẽ phụ thuộc vào việc bố trí sản xuất, sử dụng điện ở từng đơn vị. 

Là một trong những đơn vị hàng đầu về thiết kế, sản xuất và cung cấp các sản phẩm sứ cách điện, năm 2018, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn phải chi trả tiền điện trung bình gần 2,9 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 240 triệu đồng/tháng. 

Theo tính toán, khi giá điện tăng 8,36% thì tiền điện Công ty phải chi trả sẽ tăng khoảng 240 triệu đồng/năm. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cho hay: "Tăng giá điện là một thực tế và Công ty chúng tôi đã phải chủ động có giải pháp ứng phó, áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, bởi tiết kiệm điện là tiết kiệm chi phí, là tăng hiệu quả kinh doanh. Do đó, Công ty luôn quan tâm đến các giải pháp hành chính lẫn giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người lao động, tạo thói quen văn hóa trong sử dụng điện tiết kiệm”.

Công ty ĐLYB là đơn vị kinh doanh trên địa bàn, mọi hoạt động đều thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, áp lực đặt lên cho ngành điện nói chung, cũng như Công ty ĐLYB nói riêng là rất lớn. 

Nói về việc tăng giá điện lần này, ông Đặng Văn Thanh - Giám đốc Công ty ĐLYB cho biết: "Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện của Tập đoàn Điện lực qua các năm gần đây liên tục duy trì ở mức cao hơn 10% và tại Yên Bái là hơn 14%, trong khi các công suất nguồn phát điện mới đưa vào là rất hạn chế. Mặt khác, chi phí nguyên liệu đầu vào (gồm than, dầu) tăng mạnh ảnh hưởng rất lớn và góp phần làm giá thành sản xuất điện tăng cao. Do vậy, để đảm bảo cân bằng tài chính, có nguồn vốn để tái đầu tư cho hệ thống phát điện, truyền tải và phân phối, duy trì mức độ dự phòng cho hệ thống điện ở mức cho phép để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ giao cho nên việc điều chỉnh tăng giá điện là điều tất yếu”. 

Dễ nhận thấy, người dân và doanh nghiệp đều không muốn điện tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá điện là cần thiết để cân đối nền kinh tế. Do đó, để giải bài toán này, trước mắt mỗi khách hàng hãy là người sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm để giảm chi phí tiền điện; đồng thời, bảo vệ môi trường sống, góp phần tạo nên lợi ích chung cho toàn xã hội. 

Đối với chính sách hỗ trợ về giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục được thực hiện theo quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ "Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” và hướng dẫn của Thông tư 190/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài Chính về việc "Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội”. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư quy định: "Mỗi hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện. Mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành…”.

Chi Nguyễn

Các tin khác
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho đại diện top 5 tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017

Hôm nay (28/3), VCCI phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018.

Cây quế mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Văn Yên (ảnh minh họa - Ảnh: Thanh Miền)

Hiện, tỉnh Yên Bái có trên 479.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó, có 152.794 ha rừng phòng hộ, 36.147 ha rừng đặc dụng và gần 300.000 ha rừng trồng sản xuất. Hết năm 2018, tỷ lệ tàn che rừng toàn tỉnh đạt trên 63%.

Quý I/2019, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 585,3 tỷ đồng, bằng 26,1% dự toán Trung ương giao, 19,5% dự toán tỉnh giao, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân 2019, tham dự buổi gặp mặt do Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái tổ chức sáng 27/3, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bày tỏ vui mừng, phấn khởi và chia sẻ những thuận lợi, khó khăn; đồng thời mong muốn cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục