Sự kiện được tổ chức thường niên nhằm đo lường và đánh giá việc thực thi chính sách của chính quyền các địa phương. Qua đó, tập trung ý kiến người dân trên phạm vi toàn quốc để đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp; đồng thời cũng là dữ liệu và thông tin thực chứng về bức tranh hiệu quả của các cấp chính quyền trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân.
Khai mạc Hội nghị, bà Caitlin Wiesen, quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: "Sau 10 năm, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện quản trị công ở Việt Nam. Trọng tâm nghiên cứu của Chỉ số PAPI rất sát với sứ mệnh của UNDP - đặt người dân là trung tâm của quá trình phát triển.
Qua thời gian, chỉ số ngày càng khẳng định là mô hình thúc đẩy quản trị có sự tham gia mà một số quốc gia trên thế giới đã tìm hiểu và học hỏi trong quá trình xây dựng những chỉ báo quan trọng đo lường tiến bộ trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 16 về xã hội hòa bình, công bằng và bình đẳng".
Kết quả đo lường của báo cáo PAPI 2018 cho thấy đã có nhiều cải thiện ở những lĩnh vực được khảo sát. Qua đây, người dân cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập đã thuyên giảm. Người dân tỏ ra hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản. Các cấp chính quyền cơ sở cũng tương tác với người dân nhiều hơn. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ ‘một cửa’ cấp xã/phường tăng lên.
Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ người dân cho rằng còn có sự nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Đặc biệt, người dân trên phạm vi cả nước cho rằng chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nơi họ sinh sống kém hơn 3 năm trước.
Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018. Chỉ số PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản tới mọi người dân.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. Tuy nhiên, "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.
Bên cạnh đó, người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. Kết quả khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng đầu của người dân.
Về vấn đề bình đẳng giới trong vị trí lãnh đạo, ông Craig Chittick, Đại sứ Australia Việt Nam, cho rằng, những phát hiện nghiên cứu từ Báo cáo PAPI 2018 cho thấy cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc bầu chọn phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khu vực Nhà nước. Kết quả phân tích cũng chỉ ra rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc xóa bỏ định kiến xã hội, đặc biệt của cử tri nữ, đối với phụ nữ mong muốn trở thành lãnh đạo, quản lý.
Năm 2018, người dân cũng ghi nhận một số thay đổi tích cực trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị, xã hội ở cấp cơ sở. Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân bị chính quyền địa phương ép buộc đóng góp cho dự án xây mới/ tu sửa công trình công cộng tại địa phương có xu hướng giảm.
Khoảng 50% những người đóng góp cho biết họ đã đóng góp tự nguyện trong năm 2017 và 2018, cao hơn so với tỷ lệ 45% trước năm 2017. Có thể nói, chính quyền địa phương giảm sử dụng áp lực để buộc người dân đóng góp cho các dự án công trình công cộng ở cơ sở, mà để người dân tự nguyện tham gia nhiều hơn.
Năm 2018, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/ phường. Đây là những lĩnh vực cần công khai, minh bạch, và các cấp chính quyền có thể cởi mở hơn. Tuy nhiên, công khai, minh bạch quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện.
Về cung ứng dịch vụ công căn bản, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy mức độ hài lòng của người dân rất khác biệt với từng loại dịch vụ công PAPI đo lường. Nội dung thành phần ‘Y tế công lập’ cho thấy ngành y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế.
Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2018, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018. Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ như đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt, cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018.
So với các nội dung khác, sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ giáo dục tiểu học năm 2018 nói riêng có xu hướng giảm sút, phần lớn là do điều kiện vật chất, trang thiết bị của trường tiểu học công lập và chất lượng giáo dục có phần xuống cấp…
(Theo Tin tức)