Ở huyện Văn Chấn, ngoài xã Suối Giàng thì ở thôn Giằng Pằng, xã Sùng Đô cũng có những cây chè shan tuyết cổ thụ cho hương vị thơm ngon đặc biệt. Tuy nhiên, do giao thông cách trở nên giá trị của cây chè chưa thực sự được phát huy. Vì vậy, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị sản phẩm chè là những mong mỏi của hơn 70 hộ đồng bào Mông ở Giằng Pằng.
Vượt quãng đường gập ghềnh, dốc ngược hơn 20 cây số từ quốc lộ 32 qua xã Nậm Mười mới đến được đỉnh Giằng Pằng. Bản người Mông hiện ra thấp thoáng dưới tán chè shan tuyết cổ thụ. Những cây chè shan có đường kính 50 - 70 cm với tán lá xanh um đâm ra những mầm non mơn mởn. Những người đàn ông tất bật phát dọn cỏ, còn phụ nữ tranh thủ hái chè để bán.
Anh Giàng A Châu cho chúng tôi biết: "Cây chè Shan nơi đây nghe người già kể cũng phải có từ 200 - 300 năm trước. Khi ấy tổ tiên người Mông ở Giằng Pằng vượt qua sông Hồng đến định cư. Ban đầu chỉ trồng ít chè nhỏ để làm thuốc. Sau năm 1975, Đảng và Nhà nước cho cán bộ vận động nhân dân định canh định cư thì mới trồng thêm chè. Cây chè từ đó có giá trị kinh tế và giờ thì giá chè có lúc hơn 20.000 đồng/kg búp mà không đủ bán. Nhờ chè mà đời sống đồng bào Mông đã khấm khá hơn”.
Vì mới bước vào vụ, nên mỗi ngày cả thôn chỉ thu được hơn vài tạ chè búp tươi và cơ sở sản xuất duy nhất ở nơi đây của chị Vũ Thị Hương cũng chưa đủ công suất chế biến. Đã hơn chục năm lên đây sản xuất, kinh doanh chè, chị Hương nhận thấy rõ chất lượng của chè shan tuyết nơi đây.
Chị cho biết: "Dù chất lượng được nhiều khách hàng đánh giá là tương đương chè shan tuyết Suối Giàng nhưng do chưa có điện lưới quốc gia và giao thông cách trở nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn. Mặt khác, sản phẩm chè shan tuyết Giằng Pằng chưa được quảng bá, tiếp thị nhiều nên giá thành của sản phẩm nhiều khi chưa tương xứng với giá trị vốn có”.
Trăn trở với cây chè Shan, chị đã đầu tư máy móc, mở xưởng để chế biến chè tại chỗ. Tuy nhiên, do chạy bằng máy nổ nên chi phí cao hơn, vả lại những ngày mưa bão, việc vận chuyển dầu, hàng hóa lên, xuống đỉnh Giằng Pằng cũng rất khó.
Nằm ở độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, thôn Giằng Pằng nằm giáp ranh với xã Suối Giàng của Văn Chấn và xã Nà Hẩu huyện Văn Yên. Do địa hình khá biệt lập nên thôn chưa có điện lưới quốc gia, đời sống chủ yếu là tự cung, tự cấp. Nhờ có sản phẩm chè Shan, đồng bào Mông mới được giao lưu hàng hóa, có điều kiện để mua sắm phương tiện đi lại.
Hiện, cả thôn có trên 70 hộ thì hơn 30 hộ đã có xe máy. Những năm qua, nhận thức được giá trị của cây chè Shan tuyết, chính quyền xã Sùng Đô đã vận động nhân dân mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, việc phát triển các diện tích chè chủ yếu theo tập quán canh tác cũ. Cây chè được trồng rải rác bên các sườn đồi nên khó khăn trong chăm sóc, thu hoạch, hạn chế về năng suất. Vì vậy, đồng bào Mông nơi đây rất mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc chè Shan; đồng thời, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và rà soát quy hoạch để mở rộng diện tích chè Shan tập trung.
Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã Sùng Đô cho biết: "Thực hiện Đề án trồng chè Shan vùng cao, xã Sùng Đô cũng được hỗ trợ cây giống. Nhìn chung bà con rất phấn khởi; tuy nhiên, do việc vận chuyển cây giống quá xa nên việc trồng mới chưa nhiều. Chính quyền xã và bà con mong muốn được hỗ trợ sản xuất cây giống ngay tại bản và hướng dẫn kỹ thuật trồng hiệu quả cao”.
Trải qua hàng trăm năm tuổi, cây chè Shan tuyết đã bám trụ trên đỉnh Giằng Pằng và ngày càng khẳng định vị thế trong đời sống đồng bào Mông nơi đây. Cây chè Shan không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân mà đang ngày càng được thị trường ưa chuộng. Phát triển diện tích chè Shan và nâng cao giá trị của sản phẩm chè là hướng đi quan trọng giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào Mông trên đỉnh Giằng Pằng.
Trần Ngọc