Yên Bái tiếp sức cho nghề dâu tằm

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2019 | 2:15:18 PM

YênBái - Nghề dâu tằm giờ đây không chỉ hiện diện ở huyện Trấn Yên mà lan rộng ra Văn Yên, Văn Chấn. Mỗi héc - ta trồng dâu nuôi tằm ở các xã Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã cho thu nhập tới 200 triệu đồng/năm. Cây dâu, con tằm tạo nên một nghề mới có thu nhập khá ở các vùng quê.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển rộng tại nhiều huyện trong tỉnh mang lại nguồn thu nhập cho người dân. (Ảnh: Minh Huyền)
Nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển rộng tại nhiều huyện trong tỉnh mang lại nguồn thu nhập cho người dân. (Ảnh: Minh Huyền)

Không phải cái nôi của nghề tằm tơ canh cửi, thế nhưng cây dâu con tằm đã gắn bó với cuộc sống người dân Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng… của huyện Trấn Yên cả chục năm nay. 

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, bằng sự quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo huyện, xã và sự cần cù, sáng tạo của người dân Trấn Yên đã giữ và thành công với nghề trồng dâu nuôi tằm. Trấn Yên hôm nay là vựa dâu lớn nhất ở Yên Bái cũng như ở cả miền Bắc với trên 300 ha và gần 1.000 hộ tham gia sản xuất. Bình quân mỗi năm, sản lượng kén đạt gần 500 tấn, mang lại nguồn thu trên 60 tỷ đồng. 

Không còn mạnh ai người nấy làm mà người trồng dâu ở đây đã liên kết tạo thành các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết giữa sản xuất với thu mua chế biến để có hiệu quả kinh tế cao. 

Xã Tân Đồng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thế nhưng, từ khi đưa cây dâu tằm về sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Diện tích đất trồng màu, trồng lúa kém hiệu quả, đất ven đồi đã được chuyển đổi sang trồng dâu. 

Đến nay, toàn xã đã có trên 100 ha dâu với 265 hộ dân tham gia, sản lượng kén bán ra thị trường trên 130 tấn, cho thu trên 20 tỷ đồng - một con số đầy thuyết phục ở một xã thuần nông. 

Hộ anh Lê Văn Tiến ở xã Báo Đáp vốn là hộ nghèo, nay trở hộ giàu có và giỏi nuôi tằm. Anh Tiến chia sẻ: "Trồng dâu, nuôi tằm không khó, nhưng nuôi đạt sản lượng cao, chất lượng kén tốt cần phải có những đúc kết kinh nghiệm. Từ trồng dâu, nuôi tằm mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng”. 

Toàn xã Báo Đáp đã trồng và phát triển gần trăm héc - ta dâu, cây dâu đang chiếm giữ vị trí số một về giá trị kinh tế với doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng mỗi năm. Gia đình bà Lê Thị Lợi ở thôn 12 với 8 sào dâu, sau trừ chi phí mỗi năm cho thu 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa, hay các loại cây màu khác. 

Cây dâu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn bất cứ loại cây nào trên đồng đất Trấn Yên. Đó cũng là lý do để Trấn Yên đang tích cực mở rộng diện tích, quy mô trồng dâu nuôi tằm đến năm 2020 đạt 700 ha, sản lượng kén đạt trên 1.100 tấn, giá trị thu về đạt 150 tỷ đồng.

Đây cũng là cơ sở để Trấn Yên xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là cây dâu đã và đang đi đúng hướng, tạo ra động lực làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Yên Bái đang thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, tăng thu nhập cho người sản xuất. UBND tỉnh vừa có Quyết định số 321/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2025.

Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh trồng mới 745 ha dâu, hình thành vùng sản xuất dâu tập trung có quy mô trên 1.160 ha, năng suất kén từ 1,5 lên 2 tấn/ha, sản lượng kén toàn tỉnh đạt 2.340 tấn, giá trị đạt trên 240 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 3.000 lao động với mức thu nhập 50 triệu đồng/người/năm. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng một nhà máy ươm tơ tự động và tổ chức liên doanh, liên kết với người trồng dâu, nuôi tằm theo chuỗi giá trị. 

Đến năm 2025, tiếp tục trồng 950 ha, đưa diện tích dâu lên 2.100 ha, sản lượng kén đạt 5 ngàn tấn, giá trị đạt trên 500 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 5 ngàn lao động với thu nhập 60 triệu đồng/người/năm.

Theo Đề án, vùng sản xuất dâu tằm tỉnh Yên Bái sẽ quy hoạch tại 29 xã, thị trấn thuộc huyện Trấn Yên, Văn Yên và Văn Chấn (Trấn Yên 10 xã, Văn Yên 14 xã, Văn Chấn 5 xã) và thời gian thực hiện từ 2019 - 2025; hình thành vùng dâu 2.118 ha, trong đó, trồng mới 1.695 ha (Văn Yên 595 ha, Trấn Yên 855 ha, Văn Chấn 245 ha).

Cùng đó là đầu tư hỗ trợ xây dựng mới 37 nhà nuôi tằm con tập trung (Văn Yên 14 nhà, Trấn Yên 18 nhà, Văn Chấn 5 nhà) và 750 nhà nuôi tằm lớn (Trấn Yên 350 nhà, Văn Yên 275 nhà, Văn Chấn 125 nhà). 

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà nuôi tằm hiện có và mua né gỗ, tổ chức đào tạo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất… 

Cùng đó, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm hiện có, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng nhà máy ươm tơ và đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc tại thôn 2 xã Tân Đồng huyện Trấn Yên. 

Nhà máy này sử dụng công nghệ ươm tơ tự động tạo sản phẩm tơ, lụa giá trị cao với công suất 200 tấn tơ/năm; sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp 2A trở lên; tổng kinh phí hỗ trợ trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2019 - 2025 là 42.800 triệu đồng; năm 2019 và 2020 hỗ trợ 22.200 triệu đồng... 

Đề án cũng sẽ tạo điều kiện để huyện Trấn Yên phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới và cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh tế các hộ dân tham gia thực hiện trồng dâu, nuôi tằm. 

Với những cơ chế, chính sách cụ thể cùng với việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhà máy ươm tơ… đang trở thành động lực tiếp sức cho nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh mẽ, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái.

Thanh Phúc

Tags Tân Đồng Việt Thành Báo Đáp Văn Yên Trấn Yên Văn Chấn dâu tằm

Các tin khác
Thị xã Nghĩa Lộ huy động các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra năm 2018.

Thị xã Nghĩa Lộ tuy diện tích nhỏ, địa hình bằng phẳng nhưng lại nằm ở hạ lưu 3 con suối lớn chảy qua gồm: suối Nung, suối Thia, Nậm Tộc; 5/7 xã, phường có suối chảy qua, chưa kể hệ thống kênh mương, thủy lợi, ao, hồ được xây dựng và phát triển dày đặc…

Lãnh đạo Ban Dân tộc Trung ương và huyện Văn Yên trao đổi với người dân về các chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

Năm 2018, toàn xã có 86 hộ thoát nghèo, trong đó, có 42 hộ dân tộc thiểu số vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. 

12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Người dân đến bộ phận một cửa Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải làm thủ tục hành chính về thuế.

Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải hiện đang quản lý 38 doanh nghiệp và hợp tác xã; trong đó, có 5 doanh nghiệp hoạt động sản xuất thủy điện, 1 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, còn lại là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và các lĩnh vực khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục