Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường lực lượng kiểm lâm viên xuống cơ sở đảm bảo 100% các xã đều có kiểm lâm địa bàn.
Chi cục đã duy trì trực chỉ huy PCCCR cấp tỉnh và thu thập số liệu về độ ẩm phân tích, tổng hợp số liệu dự báo, cảnh báo cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng vào các ngày thứ 2, thứ 5 hàng tuần và các bảng tin dự báo cấp cháy rừng trên các tuyến đường vào cửa rừng.
Bên cạnh đó, lực lượng toàn đơn vị cũng đã tiến hành tu sửa những bảng quy ước, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng đặt ở ngoài bìa rừng; tổ chức hướng dẫn người dân ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng, không xử lý đốt thực bì trong những ngày có nhiệt độ cao; kiện toàn và củng cố hàng nghìn tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở; xây dựng mới, phát dọn và tu sửa các đường băng cản lửa tại các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng.
Đặc biệt, để hạn chế cháy rừng do đốt nương gây ra lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp đã tăng cường vận động, tuyên truyền; đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật đốt nương theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện việc đốt nương rẫy vào ban ngày, lúc thời tiết không có gió; cử người canh lửa để lửa không lan ra các khu rừng bên cạnh.
Tại huyện Văn Chấn, công tác PCCCR đang được lực lượng kiểm lâm tích cực triển khai. Ông Nguyễn Văn Quỳnh – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Ngay từ đầu năm, huyện đã rà soát diện tích rừng hiện có và xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR. Huyện đã củng cố, kiện toàn 34 Ban Chỉ đạo từ huyện đến cấp xã và các công ty lâm nghiệp với 922 thành viên. Tại các xã, thị trấn duy trì và củng cố 367 tổ đội xung kích chữa cháy rừng với 4.210 người tham gia với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, đoàn thanh niên. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để phát hiện lửa rừng và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời khi có đám cháy xảy ra”.
Huyện vùng cao Mù Cang Chải hiện đang bước vào thời gian nắng nóng cao điểm. Để hạn chế cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã bố trí lực lượng kiểm lâm địa bàn xuống các thôn bản tổ chức họp dân, tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, ký cam kết với từng hộ dân, lên danh sách số nương rẫy và hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng.
Đồng thời, quy định tất cả các hộ khi đốt nương rẫy phải báo cho trưởng thôn và kiểm lâm địa bàn biết ngày giờ đốt để kiểm soát. Tại các chòi canh lửa tại mỗi thôn bản đều có người trực 24/24h. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên tuần tra các địa điểm dễ xảy ra cháy rừng. Do đó, từ đầu năm tới nay trên địa bàn chưa để xảy ra cháy rừng.
Mặc dù đã chủ động trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy tại Tiểu khu 542 thuộc thôn Sáng Pao xã Xã Hồ và Khoảnh 20, Tiểu khu 535 thuộc thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu.
Để dập tắt cháy rừng, huyện Trạm Tấu đã huy động hơn 60 người gồm lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, dân quân tự vệ địa phương và nhân dân xã Xà Hồ tham gia chữa cháy. Dự báo, thời gian tới, tình trạng nắng nóng và khô hanh tiếp tục xảy ra, đặc biệt là ở các huyện thị phía Tây của tỉnh.
Ðể chủ động trong công tác PCCCR, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; rà soát, bổ sung chỉnh lý các phương án chữa cháy rừng trọng điểm của địa phương; chú ý khả năng huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị được dự kiến huy động trong phương án chữa cháy; chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác PCCCR, trang bị tốt các phương tiện, thiết bị PCCCR, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống cháy xảy ra.
Đối với các huyện, thị phía Tây của tỉnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần tuần tra kiểm soát thường xuyên, phát hiện sớm cháy rừng để chủ động xử lý kịp thời. Các địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để chủ động phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, có phương án chủ động phòng, chống.
Văn Thông