Hoàn thiện Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi thực hiện CPTPP

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2019 | 8:59:34 AM

Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế nhập khẩu theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP (Ảnh minh hoạ)
Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP (Ảnh minh hoạ)

Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019 – 2022 đã được hoàn thiện để trình Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Qua lấy ý kiến, có 45 ý kiến nhất trí hoàn toàn, 13 ý kiến được Bộ Tài chính tiếp thu và 10 ý kiến giải trình.

Về cam kết thuế xuất khẩu (XK) trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế XK đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế XK, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (khoảng 70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế XK.

Về cam kết thuế nhập khẩu (NK), Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế NK đối với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Để triển khai thực hiện cam kết về thuế XK, thuế NK của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP, Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022.

Thêm mặt hàng là vi phạm cam kết

Trong bản giải trình, tiếp thu, Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến liên quan đến hoàn chỉnh thể thức văn bản; bổ sung, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu và rà soát các mức thuế suất thuế NK theo đúng lộ trình đã cam kết của Việt Nam tại Hiệp định.

Với đề xuất liên quan đến việc bổ sung một số mặt hàng khoáng sản vào Biểu thuế XK với mức thuế suất ưu đãi là 2% và điều chỉnh thuế XK một số mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ xuống 0%... Bộ Tài chính cho hay, quy định tại Hiệp định CPTPP, Việt Nam không được áp dụng thuế XK đối với mặt hàng không có trong biểu cam kết về thuế XK. Các mặt hàng khoáng sản (oxit nhôm và hydroxit nhôm thuộc nhóm 2818) không nằm trong biểu cam kết về thuế XK của Việt Nam, việc đưa thêm mặt hàng vào Biểu thuế XK ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP là vi phạm cam kết.

Đối với mặt hàng vàng, các mặt hàng trong Biểu thuế XK ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP được thực hiện theo đúng cam kết trong Hiệp định, trong đó, mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc nhóm 71113.19 có thuế suất cam kết là 2%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp XK các mặt hàng trên vẫn được áp dụng mức thuế suất theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP là 0% và không phải bổ sung hồ sơ theo quy định của Nghị định ban hành Biểu thuế thực hiện CPTPP.

Với các quy định chung về các Biểu thuế, có ý kiến đề nghị nên cho phép áp dụng chung Biểu thuế cho tất cả các nước thành viên CPTPP. Đối với 6 nước Hiệp định đã có hiệu lực thì Nghị định sẽ quy định để đảm bảo hiệu lực với nhóm nước đó từ ngày 14/1/2019. Đối với 4 nước còn lại, Nghị định có hiệu lực tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với nước đó, đồng thời đề nghị giao Bộ Tài chính thông báo việc áp dụng Nghị định này đối với hàng hóa NK từ các nước mà Hiệp định mới có hiệu lực. Về đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, quy định như trên là không phù hợp bởi vì khi Hiệp định có hiệu lực với một nước thành viên, theo quy định tại phụ lục 2D của Hiệp định CPTPP, Việt Nam và nước thành viên đó sẽ phải trao đổi về lộ trình cắt giảm thuế quan mà hai nước sẽ áp dụng cho nhau.

Về đề xuất giao Bộ Tài chính thông báo việc áp dụng Nghị định này đối với nước thành viên mới phê chuẩn sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực thi của Nghị định, do Nghị định phải sửa đổi nội dung để phù hợp với kết quả thống nhất giữa hai bên về lộ trình cắt giảm thuế quan.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định hiện hành đã có các quy định rõ ràng để cơ quan Hải quan và doanh nghiệp tra cứu thuế suất, lộ trình áp dụng cho từng nhóm nước. Trong trường hợp Nghị định không đưa ra quy định cụ thể và sau đó giao Bộ Tài chính thông báo việc áp dụng Nghị định sẽ gây khó khăn và dễ nhầm lẫn cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

(Theo VOV)

Các tin khác
Nhiều khách hàng vào các phòng giao dịch ngân hàng vẫn đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang và mặc áo chống nắng.

Liên tiếp những vụ cướp ngân hàng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Kẻ gian hành động rất mau lẹ, sử dụng vũ khí "nóng” khống chế bảo vệ, nhân viên ngân hàng rồi cướp đi một số tiền lớn.

Tổng thiệt hại về kinh tế do bão lũ, thiên tai gây ra trong năm 2018 ước trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Lực lượng vũ trang dựng lều bạt và vận chuyển lương thực chuẩn bị cấp phát cho người dân vùng lũ (ảnh minh họa).

Trong nhiều năm trở lại đây, diễn biến thời tiết, thiên tai vô cùng phức tạp. Trên địa bàn Yên Bái thời gian qua, nhất là trong năm 2018, liên tục xảy ra thiên tai, bão lũ với diễn biến dị thường, khó lường và ngày càng cực đoan, dữ dội, khốc liệt.

Trong quý I năm 2019, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc tại các xã, thị trấn trong huyện.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển rộng tại nhiều huyện trong tỉnh mang lại nguồn thu nhập cho người dân. (Ảnh: Minh Huyền)

Nghề dâu tằm giờ đây không chỉ hiện diện ở huyện Trấn Yên mà lan rộng ra Văn Yên, Văn Chấn. Mỗi héc - ta trồng dâu nuôi tằm ở các xã Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã cho thu nhập tới 200 triệu đồng/năm. Cây dâu, con tằm tạo nên một nghề mới có thu nhập khá ở các vùng quê.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục