Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau gần chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Trần Văn Thiện ở thôn Yên Thịnh đã xây dựng được một gia trại rộng hơn 2 ha trồng chanh tứ thời kết hợp chăn nuôi 700 con thỏ, 100 con lợn thịt. Khu nuôi thỏ và lợn được anh Thiện bố trí cách xa nhau.
Mỗi khu đều xây dựng hệ thống bể biogas riêng biệt, tránh trường hợp vượt khả năng xử lý của bể. Nước trong sau khi chảy qua nhiều bể lọc được anh cho chảy vào một bể chứa được tận dụng để tưới cho 2.000 cây bưởi da xanh, chanh tứ thời.
Cũng tận dụng nguồn nước trong sau khi xử lý qua hệ thống biogas để tưới cho cây trồng như anh Thiện, anh Nguyễn Văn Tươm ở thôn Yên Định còn cải tiến chuồng chăn nuôi bằng việc xây dựng hệ thống rãnh thông với chuồng.
Anh Tươm thường nuôi duy trì trên 150 con lợn thịt, bởi vậy những rãnh nước này sẽ giúp cho việc vệ sinh chuồng trại luôn sạch sẽ, không bị tắc nghẽn, dồn ứ gây mùi xú uế. Đặc biệt, anh Tươm còn sử dụng tấm sàn nhựa sinh học, cách ly lợn với nền nhà, hạn chế tiếp xúc với các chất thải.
Anh Tươm chia sẻ: "Từ khi bắt đầu chăn nuôi, phương châm của gia đình tôi là chăn nuôi theo hướng bền vững, lâu dài, đặc biệt là bảo vệ môi trường. Không vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, lợn dễ dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế và gia đình cũng là người đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm. Bởi vậy, tôi không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện tốt việc xử lý chất thải chăn nuôi. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong và ngoài chuồng trại cũng được thực hiện định kỳ".
Bên cạnh hàng trăm hộ chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ, toàn xã Hưng Thịnh có trên 40 hộ chăn nuôi tập trung có quy mô. Hàng năm, xã thường xuyên tổ chức cho các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm ký cam kết không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: "Ngoài việc kiểm tra định kỳ, bất cứ khi nào có phản ánh của người dân, xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra đột xuất. Đối với những hộ vi phạm lần một sẽ bị nhắc nhở, khiển trách; vi phạm lần hai, xử lý hành chính theo quy định; vi phạm lần 3 sẽ cưỡng chế tạm dừng chăn nuôi. Năm 2018, xã đã kiên quyết xử lý hành chính với 6 trường hợp vi phạm".
Bên cạnh đó, xã Hưng Thịnh cũng rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm sinh học để khử mùi và tăng cường hiệu quả xử lý nguồn chất thải chăn nuôi; thường xuyên thực hiện lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong buổi họp thôn, sinh hoạt của các đoàn thể; vận động nhân dân xây dựng hầm biogas, hướng dẫn nhân dân quy trình xử lý chất thải chăn nuôi.
Xã cũng vận động, nâng cao nhận thức nhân dân trong thực hiện tốt vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, khơi thông cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh, hạn chế các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Đến nay, 100% gia trại tại địa phương đã thực hiện xây dựng bể biogas, hạn chế sự ảnh hưởng ra môi trường mà lại tận dụng được nguồn khí làm chất đốt hiệu quả.
Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là việc làm thiết thực, không những quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của chính những người chăn nuôi.
H.A