Năm 2018, công tác thông tin tuyên truyền HNKTQT của tỉnh Yên Bái được chú trọng và đầu tư đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức thực hiện. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng và xuất bản sách, tờ rơi "Yên Bái - tiềm năng và cơ hội đầu tư” bằng các thứ tiếng Việt - Anh, Việt - Hàn, Việt - Nhật và Việt - Ý; xuất bản Bản tin Đối ngoại Yên Bái, Tạp chí Hữu nghị song ngữ Anh - Việt; Bản tin Công Thương tỉnh Yên Bái; quản trị và điều hành Cổng thông tin đối ngoại Yên Bái với 4 phiên bản tiếng Việt, Anh, Hàn, Nhật...
Đăng tải thông tin quảng bá, giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án thu hút đầu tư trên đặc san "Việt Nam - Nhật Bản: đối tác chiến lược sâu rộng”.
Trong năm 2018, tỉnh đã tích cực, chủ động vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm tận dụng vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi thiết lập quan hệ hợp tác và nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư vào địa phương tại Ấn Độ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Campuchia, Lào; đón tiếp và làm việc với các nhà đầu tư, tập đoàn, DN lớn tới tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh Yên Bái để nghiên cứu triển khai các dự án.
Trong năm 2018, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 46 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt 2.058 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 23 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thực hiện năm 2018 đạt khoảng 38,5 triệu USD, tương đương 866,25 tỷ đồng, bằng 210% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng doanh thu của DN FDI trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 53 triệu USD, tương đương 1.192,5 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ năm 2017. Thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước đạt khoảng 6,0 triệu USD, tương đương 135 tỷ đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng quá trình HNKTQT của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: nhận thức về vị trí, vai trò của HNKTQT ở một số ngành, địa phương chưa sâu; hiệu quả triển khai một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế đã ký kết chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế và mong muốn của các bên; môi trường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như các DN và sản phẩm trong tỉnh còn hạn chế.
Cùng đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế; phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; các loại hình dịch vụ cao cấp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...
Để đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và HNKTQT, thời gian tới tỉnh tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các nội dung và chính sách của Chính phủ và của tỉnh về HNKTQT trên địa bàn tỉnh đến các DN và nhân dân. Tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết HNKTQT theo lộ trình đã đề ra và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng đó, tỉnh sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như việc nắm bắt các cơ hội mà HNKTQT có thể mang lại.
Ngoài ra, các DN cần tích cực, chủ động cập nhật kiến thức pháp luật, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, chất lượng để có thể đối mặt với những thách thức về rào cản kỹ thuật trong thương mại trong tiến trình hội nhập.
Triển khai hiệu quả Chương trình "Cà phê doanh nhân” để trao đổi, đối thoại, tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN; tư vấn cho các DN tìm cơ hội đầu tư; tạo động lực, thúc đẩy, động viên các DN đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường quốc tế lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
H.D