Thời tiết trên địa bàn tỉnh đang bước vào những tháng cao điểm của mùa khô. Mưa ít, nắng nóng kéo dài trên diện rộng đã làm các thảm thực bì tại các khu rừng trở nên khô hanh và dễ phát cháy khi gặp lửa. Tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh, nhiều ngày qua không có mưa đã khiến hàng trăm héc-ta rừng như bó củi khô treo trước lửa có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu liên tiếp xảy ra 6 vụ cháy lau lách và diện tích rừng tại các xã: Xà Hồ, Túc Đán, Bản Mù, Bản Công.
Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió Lào thổi cùng với việc đốt nương rẫy của người dân để lửa cháy lan vào rừng. Điển hình, vụ cháy rừng chiều ngày 19/4 tại tiểu khu 586, khoảnh 2 thuộc thôn Mù Thấp, xã Bản Mù huyện Trạm Tấu do Giàng Thị Vang, cư trú tại xã Bản Mù đốt nương để cháy lan vào rừng. Để dập tắt đám cháy, huyện Trạm Tấu đã huy động hơn 200 người dân tham gia chữa cháy. Đến 2 giờ đêm ngày 20/4, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Ông Trần Bá Thăng - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô. Qua rà soát, diện tích nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng gồm toàn bộ diện tích rừng ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và 9 xã vùng thượng huyện Văn Chấn.
Để hạn chế cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu để UBND tỉnh ra công điện về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống cơ sở, trực 24/24 giờ tại vùng trọng điểm và thời điểm cao điểm khô hanh; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc chính quyền địa phương, các chủ rừng trên địa bàn thực hiện PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ"; chỉ đạo các hạt kiểm lâm tuyên truyền ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR tới các hộ dân; hướng dẫn người dân đốt nương và đốt nương có kiểm soát cũng như việc sử dụng lửa trong thời điểm khô hanh kéo dài”.
Theo dự báo nắng nóng còn kéo dài những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 cho nên nguy cơ cháy rừng còn rất cao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý rừng và chủ rừng trên địa bàn tỉnh cần chủ động thực hiện công tác PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ".
Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.
Các địa phương chỉ đạo triển khai đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra ở những khu vực nguy cơ cháy rừng cao, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa, phát hiện kịp thời điểm cháy, huy động các lực lượng dập tắt ngay, không để xảy ra cháy lớn.
Các chủ rừng, các đơn vị quản lý rừng cần cắm biển cấm ra vào rừng, biển báo động cấp cháy ở khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, đồng thời bố trí đầy đủ lực lượng thay phiên túc trực quan sát, canh lửa trên toàn lâm phần để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.
Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về PCCCR, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cần khởi tố, điều tra làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở và xử lý nghiêm.
Văn Thông