Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là địa phương có diện tích chè lớn nhất nhì của huyện Văn Chấn với 533 ha, trong đó trên 500 ha là chè kinh doanh. Mặc dù thời tiết không thuận lợi song đến hết tháng 3, sản lượng chè của thị trấn đạt gần 300 tấn, giá cả ổn định ở mức 3.500 đồng - 4.000 đồng/kg chè búp tươi nên 60% số hộ dân làm chè của địa phương đã có thu nhập ổn định.
Xác định chè là cây trồng mũi nhọn và là cây chủ lực của địa phương, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh chè, thay thế dần những giống chè trung du già cỗi năng suất thấp bằng giống chè lai, chè cành năng suất chất lượng cao, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất kinh doanh chè.
Chỉ về những nương chè xanh mướt, ông Hoàng Trung Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Tất cả những diện tích đó đã được thay thế bằng giống chè lai, chè cành, quy trình VietGAP đầu tư cho người dân hệ thống đường, hỗ trợ mua máy móc và tập huấn kỹ thuật cho người dân nên người làm chè cũng có thêm kiến thức để sản xuất chè theo đúng tiêu chuẩn chè sạch. Mặc dù số hộ dân có diện tích chè không nhiều, hộ nhiều nhất cũng chỉ 3 ha song nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình nên nhiều hộ đã có thu nhập khá từ cây chè”.
Gia đình anh Nguyễn Duy Tám ở Tổ dân phố 3 đã làm chè hơn 20 năm nay, mặc dù diện tích chè chỉ có hơn 1,6 ha, song nhờ đầu tư cải tạo, thay thế trồng mới bằng giống chè cành, chè lai cho năng suất chất lượng cao, đầu tư phân bón nên sản lượng chè đã tăng lên đáng kể. Lứa chè xuân mặc dù mới là lứa tạo tán nhưng gia đình anh thu về trên 7 tạ chè, tính ra 1 ha chè cho năng suất 12 tấn/năm. Thị trấn Nông trường Liên Sơn có trên 485 ha, gần 60% số hộ dân sống nhờ cây chè.
Những năm qua, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, thay thế dần những giống chè trung du già cỗi bằng giống chè cành, chè lai cho năng suất chất lượng cao, đồng thời thực hiện tốt quy trình VietGAP.
Nhờ vậy, đến nay, diện tích chè trồng mới, trồng cải tạo của thị trấn đạt trên 80%, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha/năm. Tuy là lứa chè xuân nhưng hết tháng 3, toàn thị trấn thu được trên 250 tấn chè búp tươi, giá cả cơ bản ổn định đáp ứng được cuộc sống người làm chè.
Văn Chấn hiện có tổng diện tích gần 4.700 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh trên 4.100 ha, còn lại là chè kiến thiết cơ bản. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm sản lượng đạt gần 50.000 tấn chè búp tươi, huyện đã có nhiều giải pháp và cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao.
Từ năm 2008, Văn Chấn đã trồng cải tạo thay thế bằng giống chè lai LDP1, LDP2, bình quân mỗi năm huyện trồng cải tạo từ 100 – 300 ha chè bằng giống chè lai, chè nhập nội và chè Shan tuyết, góp phần nâng năng suất chè bình quân đạt từ 10 - 12 tấn/ha, đưa sản lượng chè lứa đầu vụ xuân 2019 lên 2.500 tấn chè búp tươi, tăng khoảng 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Mai Mộng Tuân - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Huyện đang tập trung phát triển diện tích chè Shan hạt và chè Shan giâm cành cho các xã vùng cao, vùng thượng huyện theo Đề án phát triển chè vùng cao của tỉnh. Mỗi năm, huyện trồng mới khoảng 80 ha, đến nay diện tích chè shan hạt và shan giâm cành đã trồng mới gần 600 ha.
Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, huyện tiếp tục vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi nhằm nâng cao dần chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị thu mua đảm bảo ổn định giá, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị, phẩm cấp sản lượng chè”.
Thanh Tân