Chị Nguyễn Hồng D, cư trú tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Chập tối, tôi đang mải lo chăm sóc con nhỏ thì có hai người lạ vào nhà xin bắt giun đất, tôi không nghi ngờ gì nên để họ vào. Lát sau, tôi phát hiện họ dùng bộ dụng cụ dí xuống đất để giun ngoi lên rồi bắt cho vào thùng nhựa. Điều đáng nói là số lượng giun họ bắt được khá lớn, khoảng 20 phút đã được mấy cân. Thấy hành động hủy hoại môi trường và có thể nguy hiểm do điện giật nên tôi ngăn không cho họ bắt tiếp”.
Tìm hiểu câu chuyện bắt giun đất, được biết, việc bắt giun xuất phát từ Trung Quốc với mục đích bắt giun để... ăn (?) và làm thuốc chữa bệnh. Phía Trung Quốc còn sản xuất máy kích giun sử dụng điện ắc quy hoặc bộ kích sử dụng bằng điện lưới; họ còn cung cấp cho dân những loại hóa chất lạ, đem hòa với nước rồi đổi xuống đất để giun lớn, giun bé sẽ từ từ ngoi lên.
Trước đây, tại một số tỉnh phía Nam nước ta, "chuyên gia” Trung Quốc còn về tận các vùng hẻo lánh hướng dẫn người dân bắt giun, giờ thì trên mạng Internet xuất hiện vô số các bài viết từ hướng dẫn cách bắt, phương pháp chế biến đến việc mua bán máy kích điện.
Bắt mãi cũng vãn và bị chính quyền ngăn chặn, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua với giá vài chục nghìn đồng/kg, người dân đã hăng hái đi kích, bắt giun đất để tăng thu nhập, đặc biệt là lúc nông nhàn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh, tình trạng kích giun bằng điện đang diễn ra ở vùng Đông hồ Thác Bà thuộc huyện Yên Bình; các xã như Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Phúc An... đều đã xuất hiện việc người dân đi bắt giun.
Xin được nói thêm rằng, phía Đông hồ Thác Bà có chất đất khá cằn cỗi, chủ yếu là đất sỏi son (đất pha cát, lẫn nhiều viên sỏi nhỏ màu đỏ hoặc hồng) nên không nhiều giun, có lẽ vì vậy mà nhiều thợ bắt giun đã tới các vùng quê khác để bắt được nhiều hơn. Trường hợp hai thợ bắt giun ở nhà chị H kể trên là thí dụ.
Một cán bộ cảnh sát phụ trách địa bàn của Công an huyện Yên Bình cho biết: "Chúng tôi và chính quyền địa phương đã nắm bắt được thông tin về tình trạng bắt, thu mua và chế biến giun. Trong đó, gia đình ông bà M-T ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên làm nghề thu mua, chế biến và sấy khô giun”.
Được biết, trước tình trạng nhiều người dân đi bắt giun, UBND huyện Yên Bình đã có công văn chỉ đạo các ban ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân không tham gia việc này, gây ảnh hưởng đến môi trường; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Việc bắt, chế biến, sấy khô giun rồi bán cho thương lái Trung Quốc ở Yên Bình và không loại trừ sẽ mở rộng ra nhiều địa phương khác đã và đang diễn ra, các cấp, các ngành sẽ có biện pháp xử lý theo quy định, còn người dân chúng ta hãy đừng vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại môi trường! Bởi theo tiến sỹ Ngô Xuân Lai - Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn), nếu bắt hết giun sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất đất và cây trồng.
Cụ thể, đất có ba đặc tính: vật lý (độ xốp, tỷ lệ hạt cát và hạt xét, tính co giãn...), hóa học (các thành phần dinh dưỡng như đạm, kali, các chất vi lượng khác...) và sinh học (giun, vi sinh vật), trong đó đặc tính sinh học quyết định rất lớn đến hai đặc tính còn lại. Mất cân đối bất kỳ loại nào trong đất đều gây ảnh hưởng đến chất lượng đất và đặc biệt là độ phì nhiêu và độ xốp của đất.
Giun ăn một số thức ăn có trong đất, thải ra phân, góp phần làm cho đất tơi xốp, cung cấp thêm một phần chất dinh dưỡng cho đất. Đất tơi xốp giúp cây dễ hút được các chất dinh dưỡng để phát triển.
Thực tế đã chứng minh, đất tốt là đất có nhiều giun và đất có nhiều giun sinh sống sẽ ngày càng phì nhiêu hơn... Vì vậy, việc bắt hết giun trong đất sẽ làm cho đất nghèo đi, chai cứng lại, ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ cây trồng Đây là việc gây hại, cần phải được ngăn chặn.
Lê Phiên