Cuối tháng tư, đầu tháng năm trời nắng như đổ lửa, nhưng trên các vùng chè đâu đâu cũng bắt gặp bà con tất bật làm cỏ, bón phân, chuẩn bị thu hái lứa chè.
Chị Lò Thị Na ở thị trấn Nông trường Liên Sơn cho hay: "Diện tích chè của gia đình rộng trên 3 ha và trước đây toàn bộ là giống chè trung du già cỗi. Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình đã phá bỏ và trồng thay thế giống chè lai. Giống chè lai này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất nhanh. Năm trước, gia đình thu được trên 30 tấn búp tươi và vụ này chè bắt đầu vào kinh doanh nên năng suất không thể đạt dưới 13 tấn/ha. Với giá chè hiện nay, bình quân 5.000 đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu 200 triệu đồng và trừ chi phí còn 120 triệu đồng. Với mức thu nhập này, người làm chè sống được bằng chè. Trồng chè không khó nhưng đòi hỏi chăm sóc, thu hái đúng quy trình thì cây chè vừa trẻ lâu vừa cho năng suất cao”.
Theo ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.510 ha chè (giảm hơn so với những năm trước). Nguyên nhân chính là do những diện tích chè già cỗi, không được đầu tư chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả...
Hiện, diện tích chè cho sản phẩm là 7.826 ha với cơ cấu giống (chè trung du 2.993 ha, chiếm 38,44%; chè lai LDP1, LDP2 là 2.624 ha, chiếm 33,42%; giống chè shan 1.719 ha, chiếm 21,9% còn lại là các giống chè nhập nội (Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên) là 490 ha, chiếm 6,24%).
Văn Chấn là huyện có nhiều diện tích chè nhất và thu hoạch cũng như sản xuất chế biến chè ổn định với 4.200 ha, sản lượng đạt trên 45.000 tấn búp tươi. Năng suất chè có sự biến động rất lớn theo từng khu vực sản xuất và mức độ đầu tư thâm canh.
Đối với những diện tích chè được đầu tư thâm canh cao, ổn định, năng suất đạt 20 - 25 tấn/năm; diện tích chè được quản lý của doanh nghiệp hoặc mới được trồng thay thế giống năng suất bình quân đạt 12 - 15 tấn; diện tích chè shan vùng cao năng suất bình quân đạt 5 - 7 tấn/ha; diện tích kém đầu tư chăm sóc đã trồng xen các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên nương chè, năng suất rất thấp, ước đạt 2- 3 tấn/ha.
Niên vụ sản xuất kinh doanh chè 2019, huyện phấn đấu đạt sản lượng 80.000 tấn búp tươi; giá thu mua chè bình quân từ 4.000 - 5.000 đồng/kg; chè shan cành mật độ cao giá 6.500- 7.000 đồng/kg; chè shan cổ thụ 18.000 - 20.000 đồng/kg; chè nhập nội giá trung bình 12.000 - 16.000 đồng/kg).
Song song với phát triển vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở chế biến không ngừng thay thế, bảo dưỡng, máy móc, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu thu mua hết lượng chè búp cho dân và chế biến trên 20.000 tấn chè thành phẩm. Trong đó, cơ cấu chè đen chiếm 80% còn lại là chè xanh xuất khẩu và nội tiêu.
Công ty TNHH chè Hữu Hảo, Công ty Chè Ích Thành, Công ty chế biến thực phẩm Phú Tài, Công ty TNHH chè Bình Thuận, Công ty TNHH Hưng Thịnh… là những đơn vị có sản lượng xuất khẩu chè trực tiếp và xuất ủy thác lớn cũng đã ký được hợp đồng tiêu thụ. Những niên vụ chè trước đây, vấn đề lo lắng nhất là thị trường đầu ra, thì năm nay hầu hết các doanh nghiệp chế biến lại lo lắng không mua được nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho chế biến. Bởi đòi hỏi của thị trường ngày một cao, chè phải sạch, đảm bảo chất lượng.
Với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp chế biến, chắc chắn sản xuất, kinh doanh chè niên vụ 2019 sẽ giành thắng lợi và người làm chè sẽ sống được bằng chè.
Thanh Phúc