Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết ngày 13/5/2019, đã có 47 hộ chăn nuôi của 6 xã trên địa bàn 4 huyện, thị xã của tỉnh gồm: Văn Chấn, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và Trạm Tấu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy 465 con.
Trước tình hình dịch lây lan, tỉnh đã cấp 620 lít thuốc sát trùng cùng các vật tư, phương tiện thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm. Các địa phương đã đồng loạt triển khai các biện pháp, thực hiện đúng tinh thần các chỉ đạo của trên và Kế hoạch số 65/KH- UBND của UBND tỉnh về phòng, chống DTLCP.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, tham gia ý kiến, các đại biểu tập trung vào các giải pháp cấp bách phòng, chống, dập dịch, chính sách hỗ trợ thiệt hại. Ý kiến về giải pháp ngăn chặn triệt để, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn được các đại biểu đặc biệt quan tâm với đề xuất tăng cường thành lập các chốt, trạm kiểm dịch và các tổ kiểm tra liên ngành; tháo gỡ khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, tiêu hủy lợn bệnh tại địa phương; công tác quan trắc, giám sát môi trường tại các điểm tiêu hủy.
Các đại biểu đã tham gia vào dự thảo Quyết định "Về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh DTLCP, lở mồm long móng, dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh”.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: cần xác định DTLCP là bệnh dịch nguy hiểm, hiện không có thuốc chữa và chưa có vắc xin phòng chống; virút DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại dai dẳng trong môi trường; dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do đó, để bảo vệ đàn lợn gần 500 nghìn con của hơn 49 nghìn hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, đồng chí đề nghị các địa phương, sở, ngành liên quan quán triệt và thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP và các kịch bản theo Kế hoạch 65/KH-UBND của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm chủ động, kịp thời, hiệu quả.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có dịch cần tổ chức chỉ đạo, triển khai, thực hiện theo kịch bản 2 của Kế hoạch 65, thực hiện nghiêm quy trình khi xảy ra dịch. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tốt việc khoanh vùng dịch, vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng, vùng uy hiếp, vùng đệm theo quy định; thành lập tổ kiểm soát cơ động, chốt kiểm soát tạm thời của huyện, kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch và trên địa bàn huyện có dịch.
Hạn chế người ra vào khu vực tiêu hủy lợn bệnh và vùng có dịch; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nếu phát hiện có gia súc ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn của tỉnh để kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm; bố trí lực lượng dân quân cấp xã tham gia tiêu huỷ lợn bệnh, trường hợp lợn bệnh số lượng lớn cần bố trí thêm nhân lực mà nòng cốt là lực lượng vũ trang; bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng chống dịch; hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch đối với người nuôi có lợn bệnh phải tiêu hủy, có sự giám sát của mặt trận Tổ quốc và người dân, tránh trục lợi chính sách… Thực hiện chế độ thông tin, bao cáo kip thời theo phân cấp.
Đối với các địa phương chưa có dịch: tiếp tục chỉ đạo thực hiện kịch bản 1 của Kế hoạch 65. Chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng đầy đủ vắc - xin cho đàn vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đàn vật nuôi trên địa bàn; tăng cường giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó khi phát hiện dịch.
Chuẩn bị đầy dủ và sẵn sàng vật tư, phương tiện cần thiết cho việc giám sát, điều tra và xét nghiệm bệnh DTLCP; hướng dẫn người chăn nuôi, cán bộ cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cơ sở chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch, thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
Đồng chí cũng đề nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và sự phối hợp, chia sẻ thông tin để tăng hiệu quả phòng, chống dịch giữa các địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét diễn biến của các địa phương trong tỉnh có dịch và các tỉnh, thành trên toàn quốc để tham mưu với tỉnh việc công bố dịch nếu cần thiết.
Đức Toàn