Năm 2018, thiên tai đặc biệt là mưa lũ đã làm 62 ngôi nhà; 87 ha lúa, hoa màu, 4,82 ha ao nuôi cá và 34 lồng cá cùng nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 11,3 tỷ đồng.
Mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa đá kèm tố lốc ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của các hộ dân. Gần đây nhất đêm ngày 26/4, mưa rào, mưa đá kèm tố lốc đã làm sập đổ hoàn toàn 1 ngôi nhà, 237 nhà khác bị tốc mái, hơn 98 ha lúa, ngô, cây ăn quả và cây lâm nghiệp bị gẫy đổ, 25 lồng cá của doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại.
Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg quyết định hàng năm lấy tuần lễ từ ngày 15-22/5 làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai hàng năm đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương và huy động được sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng chống thiên tai.
|
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Để chủ động phòng, chống giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện Yên Bình đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) từ huyện đến cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động rà soát xây dựng kế hoạch PCTT - TKCN sát với thực tế của từng đơn vị và địa phương mình. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao năng lực phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trong cộng đồng dân cư; xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; cảnh báo sớm về mức độ nguy hại của bão lũ, tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Tại cấp xã, cấp thôn đều thành lập tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai với lực lượng dân quân tự vệ là nòng cốt sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác rà soát thống kê lập danh sách các hộ có nhà tạm, nhà yếu và yêu cầu các hộ ký cam kết chằng chống nhà cửa trước mùa mưa bão. Đồng thời, kiểm tra, rà soát những hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm và có phương án cụ thể tập trung vận động người dân di dời ra khỏi các khu vực này, đồng thời chuẩn bị đầy đủ lương thực, vật tư, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra”.
Ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết: "Theo rà soát, xã Phúc An còn 82 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, trong đó 45 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể: 23 hộ dân sống dưới chân công trình thủy lợi Đồng Tâm, 12 hộ dân sống dưới chân núi, 10 hộ dân sống dưới chân ta luy có độ dốc cao.
Để hạn chế thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, xã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT - TKCN; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời khi có thiên tai xuất hiện để nhân dân biết và chủ động phòng tránh tốt nhất.
Đặc biệt, xã chủ động phối hợp với các ngành về việc sơ tán dân và có phương án cụ thể đối với từng hộ, từng cụm, từng khu vực; xác định số lượng, thời điểm cần sơ tán gắn với trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ huy phụ trách cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban công tác Mặt trận thôn lấy tuyên truyền vận động là chính. Hướng dẫn bà con tự sơ tán, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của thân nhân hàng xóm và sơ tán tại chỗ”.
Dự báo từ nay đến hết tháng 10, tình hình mưa bão còn nhiều diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương có biện pháp kiên quyết, kịp thời di dời những hộ dân sống ở vùng nguy hiểm ven suối, đề phòng hậu quả xấu xảy ra, trong những đợt mưa bão sắp tới.
Với phương châm giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ cộng đồng, phương án phòng chống đơn giản và hiệu quả nhất là phải tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống trong cộng đồng dân cư. Bởi, chỉ ở thôn bản mình đang sinh sống, người dân mới hiểu rõ nhất ở đó thường xảy ra những loại thiên tai gì, vào thời điểm nào để phòng tránh kịp thời, hiệu quả.
Văn Thông