Tin liên quan:
Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 22/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng, gần đây là tôm càng đỏ (tôm hùm đất)... Các cơ quan chức năng đang đặt mục tiêu đến 2020, bằng mọi giải pháp để giảm một nửa số sinh vật ngoại lai đó.
Theo ông, cách đây 2 năm, ở tỉnh Đồng Tháp có một Việt kiều đưa tôm càng đỏ về làm du lịch, nhờ nông dân địa phương đưa vào nuôi khu vực quy mô 2 ha nhưng sau đó "nó tràn ra phá hết, tiêu diệt cả những con cá to bằng ngón tay". Sự việc sau đó đã được ngăn chặn nhưng gần đây, tôm càng đỏ xuất hiện trở lại dưới dạng thương mại".
"Đây là sinh vật ngoại lai bị cấm đưa vào Việt Nam. Loại tôm này rất phàm ăn, ăn đủ loại từ thực vật đến động vật như tôm cá, lúa, thậm chí sinh vật to bằng nó vẫn ăn được vì càng và miệng cứng", ông Cường nói.
Ngoài ra, tôm càng đỏ còn đào hang, phá công trình thuỷ lợi, bờ kênh, mương, gây nguy cơ sạt lở; trong khi đó hiệu quả kinh tế của loại tôm này thấp do vỏ cứng.
Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi đến các tỉnh, thành, cử đoàn giám sát xuống địa phương, nhất là những nơi giáp biên giới Trung Quốc để ngăn chặn, xử lý việc buôn bán loại sinh vật này.
"Trung Quốc có vùng thuỷ vực tự nhiên không sản xuất gì được nên họ tận dụng nuôi tôm này. Khi bán theo kg thì đơn giá rẻ so với tôm hùm", ông Cường nói
Theo ông Cường, Bộ có nhiệm vụ gác cửa, ngăn chặn sinh vật ngoại lai là Bộ Tài nguyên Môi trường, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sợ tôm càng đỏ làm tổn thương đến cây nông nghiệp và vật nuôi nên phải phối hợp thêm.
"Tôi mong địa phương thấy việc gì có lợi có dân, ảnh hưởng đến sản xuất thì xông vào. Đặc biệt là đại biểu Quốc hội nên đưa nội dung này vào chương trình tiếp xúc cử tri. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để vì lợi ích nhỏ của một bộ phận làm ảnh hưởng đến tình hình chung, sau này chúng ta mất nhiều thời gian, tiền của để khắc phục", ông Cường nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị có các giải pháp về kinh tế, hình sự để xử lý những người cố tình vi phạm. "Tôi sẽ tiếp tục sẽ có ý kiến với Bộ Thông tin Truyền thông, chỉ đạo xử lý những trường hợp buôn bán tôm càng đỏ trên mạng", ông Cường nói.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Xuân Cường cho hay, đây là loại bệnh nguy hiểm nhất đối với việc phát triển đàn lợn trên thế giới và Việt Nam mà lịch sử ngành chăn nuôi lợn chưa bao giờ có.
"Con virus này có độc tố nhanh đến mức sa đàn nào là 100% chết, lây truyền qua chim, chuột, sâu bọ, côn trùng, con người, thậm chí chỉ dây ra quần áo hay gió bốc phế thải bay từ nơi này qua nơi khác...", ông Cường nói.
Theo ông, đến tối 21/5 khi dịch xuất hiện ở An Giang thì Việt Nam đã có 37 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, số lượng tiêu huỷ khoảng 1,6 triệu con, 65.000 tấn, chiếm 5% tổng đàn lợn trên toàn quốc.
Do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, Ban bí thư đã phải ban hành chỉ thị liên quan, Thủ tướng 3 lần họp trực tuyến với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 50 văn bản chỉ đạo...
Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, nắng mưa, nóng lạnh đan xen nên nếu các địa phương không triển khai tốt vệ sinh, an toàn sinh học thì tình hình dự báo dịch sẽ còn lan rộng. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh việc nghiên cứu vắc xin phòng bệnh; kết hợp với Bộ Y tế xây dựng nhóm giải pháp xử lý ngoài chôn lấp.
Tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus), được Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I xác định là sinh vật gây hại, không có giá trị kinh tế cao. Chúng hay đào hang làm hỏng đê điều, phá hoại mùa màng. Là giống ăn tạp, thích nghi tốt với môi trường, tôm hùm đất có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.
Từ năm 2013, loài tôm này được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm phát triển. |
(Theo VnExpress)