Văn Yên nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/5/2019 | 8:17:55 AM

YênBái - Với ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở huyện Văn Yên đã vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp làm giàu.

Năm 2017, Dự án "Bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng” của đoàn viên Trương Văn Thương - Bí thư Đoàn xã Tân Hợp đạt giải Khuyến khích Cuộc thi: "Ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2017”. Dự án này giúp anh thực hiện được ước mơ của mình về bảo tồn, phát huy những loại cây dược liệu quý hiếm tại địa phương. 

Anh Thương cho biết, tại địa phương có nhiều loại cây dược liệu quý nhưng người dân chưa hiểu hết giá trị, nên khi có thương lái đến mua, họ thường vào rừng chặt cả gốc về bán. Nhận thấy những giống cây dược liệu quý ngày càng bị cạn kiệt, anh đã dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại cây, sau đó ươm giống để trồng. 

Đến nay, anh đã nhân giống thành công 6 loại cây dược liệu bằng cách ươm hạt và hom, đó là cây trà hoa vàng, khôi nhung, cát sâm, na rừng, củ dòm đỏ, bồ kết... Anh đã đưa 600 gốc trà hoa vàng và lá khôi nhung vào trồng thí điểm dưới tán cây quế. 

Đây là những loại cây trồng ưa độ ẩm cao, nên khi trồng dưới tán cây không phải mất nhiều công sức chăm sóc mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi trồng từ 3 năm trở lên là có thể cho thu hoạch sản phẩm. 

Năm 2018, anh Thương xuất bán được 1.200 cây giống trà hoa vàng, thu về trên 50 triệu đồng. Trương Văn Thương chia sẻ: "Đây là những loại cây dược liệu quý, nên việc bảo tồn và phát triển những loại cây này là rất cần thiết. Tôi đã quyết tâm xây dựng mô hình để bảo tồn, phát triển; đồng thời, cũng là hướng đi để phát triển kinh tế cho gia đình mình và hy vọng các ĐVTN trong xã cùng tham gia để nâng cao đời sống”.

Cũng từ phong trào khởi nghiệp, đoàn viên Nguyễn Văn Giang ở thôn Đức Tiến, xã Đông An bắt tay vào làm kinh tế bằng mô hình trồng cây ăn quả. Anh đưa 70 gốc bưởi Diễn, 30 gốc bưởi da xanh, 50 gốc ổi, na và hồng xiêm vào trồng tại trang trại của gia đình. Sau nhiều năm cần mẫn chăm bón, đến nay, vườn quả đã cho thu hoạch. Cùng đó, anh còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. 

Hiện, trang trại nuôi gà của anh mỗi lứa có từ 3.000 đến 4.000 con. Ngoài ra, anh còn tận dụng các khe núi, khe suối đắp ao nuôi cá. Với cách làm này, bình quân mỗi năm anh thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng. 

Đoàn viên Đỗ Tuấn Anh ở thôn Phú Thôn, xã Yên Phú lại chọn hướng lập nghiệp bằng cách nuôi cá lồng. Mô hình của anh đã thành công và cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. 

Đoàn viên Lý Thị Kết ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông thì quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lợn rừng lai. Để có vốn đầu tư, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên. 

Cuối năm 2018, chị có 70 con lợn rừng lai và dịp tết Nguyên đán vừa qua xuất bán thu về trên 100 triệu đồng. Thức ăn cho lợn rừng lai chủ yếu bằng cỏ voi, rau lang, thân chuối trộn cám ngô, cám thóc nên lợn chắc thịt, thơm ngon được thị trường ưa chuộng. 

Anh Nguyễn Viết Xuân - Bí thư Đoàn xã Mậu Đông cho biết: "Trong xã, ngoài mô hình phát triển chăn nuôi lợn rừng lai của đoàn viên Lý Thị Kết còn có nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chủ động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích cực đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào áp dụng sản xuất nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao”. 

Để hỗ trợ khởi nghiệp cho ĐVTN, những năm qua, Huyện đoàn Văn Yên đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho ĐVTN. 

Huyện đoàn còn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức mở nhiều lớp tập huấn ngắn hạn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ĐVTN; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho ĐVTN đầu tư phát triển kinh tế với tổng dư nợ 62 tỷ đồng. Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng quê hương.

 Chí Sinh

Tags Văn Yên tuổi trẻ mô hình kinh tế ĐVTN

Các tin khác
Hội thảo đánh giá mô hình trình diễn giống lúa Lộc Trời 153 tại xã Tân Lập.

Ngày 27/5, tại xã Tân Lập, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - Chi nhánh Hà Nội tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình trình diễn giống lúa Lộc Trời 153.

Ngành GTVT huy động máy móc hót gạt bùn đất tuyến đường lên xã Sùng Đô, Nậm Mười, huyện Văn Chấn.

Do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông luôn bị thiệt hại nặng nề, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn và ổn định đời sống nhân dân. Điều này đòi hỏi ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái phải luôn chủ động phương án, máy móc để đảm bảo giao thông trong các tình huống thiên tai và nhanh chóng khắc phục tình trạng cản lũ của các công trình giao thông.

Nông dân xã Phan Thanh tham quan đầu bờ mô hình liên kết sản xuất lúa thuần Nam Hương 4.

Những ngày này, cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên thường xuyên có mặt ở các cánh đồng để kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh lúa xuân, trên cơ sở đó hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, góp phần cho sản xuất vụ xuân giành thắng lợi.

Năm 2019, huyện Yên Bình được tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên 208 tỷ đồng, huyện phấn đấu thu đạt 240 tỷ đồng. Hết tháng 4 huyện thu trên 68 tỷ đồng, đạt 34,1% dự toán, tăng 45,2% so với cùng kỳ và nằm trong tốp đầu tỉnh về thu ngân sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục