Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII ban hành về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại (XTTM) cho các sản phẩm NLTS tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2021.
Đây là "cú hích” tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và các hộ liên kết phát triển sản xuất, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm NLTS chủ lực của địa phương.
Theo đó, Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm an toàn. Chính sách này quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp của Nhà nước để hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế cho các sản phẩm NLTS sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng hỗ trợ là các DN, HTX trực tiếp sản xuất hoặc liên kết sản xuất với hộ gia đình, cá nhân. Điều kiện được hưởng hỗ trợ là các DN, HTX có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự án thực hiện hoàn thành theo thuyết minh được phê duyệt và sản phẩm được các tổ chức (có giấy phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam) chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Quy mô hỗ trợ các sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc sản, hữu cơ của tỉnh theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh, đảm bảo quy mô dự án hợp lý theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, ưu tiên sản phẩm hàng hóa chủ lực tập trung từ 50 ha lúa trở lên; từ 10 ha cây ăn quả có múi trở lên; từ 20 ha chè trở lên; từ 1.000 con lợn/lứa trở lên; từ 10.000 con gia cầm/lứa trở lên; từ 3 ha mặt nước nuôi thâm canh thủy sản trở lên; từ 5 ha mặt nước nuôi cá eo ngách trở lên; từ 50 lồng nuôi cá trở lên tại hồ Thác Bà; từ 50 ha quế trở lên; từ 10 ha tre măng Bát độ trở lên.
Sản phẩm đặc sản, hữu cơ có quy mô tối thiểu bằng 30% quy mô của các sản phẩm hàng hóa chủ lực tập trung tương ứng. Nội dung và mức hỗ trợ một lần kinh phí, nhưng không quá 100 triệu đồng/giấy chứng nhận để điều tra, khảo sát, phân tích mẫu đất, nước, không khí, sản phẩm; đào tạo, tập huấn, xây dựng hệ thống giám sát nội bộ, thuê đánh giá, cấp chứng nhận sản phẩm an toàn. Phương thức hỗ trợ bằng tiền mặt sau đầu tư theo khối lượng hoàn thành, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu.
Cùng đó, HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý. Chính sách này quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp của Nhà nước hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm NLTS sản xuất trong toàn tỉnh.
Đối tượng hỗ trợ là tổ chức được chỉ định hoặc ủy quyền xây dựng chỉ dẫn địa lý. Điều kiện được hưởng hỗ trợ là các tổ chức được chỉ định hoặc ủy quyền xây dựng chỉ dẫn địa lý có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án thực hiện hoàn thành theo thuyết minh được phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nội dung và mức hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án theo dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để điều tra khảo sát, phân tích mẫu đất, nước, không khí, sản phẩm; lập hồ sơ trình cơ quan quản lý cấp chứng nhận; các loại phí và lệ phí chứng nhận. Phương thức hỗ trợ bằng tiền mặt sau đầu tư theo khối lượng hoàn thành, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu.
Về chính sách hỗ trợ XTTM, tìm kiếm thị trường (TKTT) tiêu thụ sản phẩm: chính sách này quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp của Nhà nước hỗ trợ thực hiện các hoạt động nhằm quảng bá, XTTM, TKTT tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh gồm: tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; hội chợ, triển lãm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu sản phẩm.
Đối tượng hỗ trợ là tổ chức, DN, HTX. Điều kiện được hưởng hỗ trợ, các tổ chức, DN, HTX đăng ký và thực hiện các hoạt động XTTM, TKTT tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng; dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung và mức hỗ trợ: hỗ trợ một lần kinh phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/dự án để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ một lần kinh phí, nhưng không quá 20 triệu đồng/dự án để xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và máy in tem sản phẩm; hỗ trợ một lần kinh phí, nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án để xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm; hỗ trợ một lần kinh phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/dự án để tham gia hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, TKTT tiêu thụ.
Phương thức hỗ trợ bằng tiền mặt sau đầu tư theo khối lượng hoàn thành, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu. Thời gian áp dụng chính sách này được thực hiện từ năm 2019 đến hết năm 2021. Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chính sách này là nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đức Toàn